Bài Tựa Niệm Phật Cảm Ứng Lục (TT)

19. BÀI TỰA SÁCH
NIỆM PHẬT CẢM ỨNG LỤC (TT)

Cho nên, trong Ngũ hội niệm Phật tán Đại sư Pháp Chiếu nói:

Cõi này một người niệm Phật danh
Tây Phương liền có một hoa sen
Chỉ cần một đời thường không đổi
Hoa này trở lại nơi đây đón.

Đồng thời, Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tự nhiên làm bạn tốt của người niệm Phật, giống như huynh đệ, không mời thỉnh mà các Ngài tự đến, trong mười hai thời thường theo ủng hộ chúng ta như bóng theo hình, không một chút ghét bỏ, mãi mãi chẳng xa lìa.

Chỉ cần niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà, thì liền vượt thoát luân hồi, vì vậy Đức Thế Tôn ví người niệm Phật là hoa sen trắng, Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí theo bảo hộ như bóng theo hình. Vì thế, văn ‘phần lưu thông’ trong Quán kinh sớ, Đại sư Thiện Đạo giải thích, dùng ‘ngũ trùng gia dự’ khen ngợi người niệm Phật, và nói ‘nhị thánh bảo hộ’, văn đó ghi:

Nếu người nào niệm Phật tức là người tốt trong loài người, người rất tốt trong loài người, người bậc nhất trong loài người, người hiếm có trong loài người, người thù thắng nhất trong loài người.
Người chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà, thì hai vị Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí thường theo bảo vệ, cũng giống như bạn thân và thiện tri thức.

Lại nữa, trong Quán niệm pháp môn, Đại sư nói, niệm Phật có thể tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ, văn đó ghi:

Nếu người nào xưng niệm A-di-đà Phật, phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, thì hiện đời liền được kéo dài tuổi thọ, không gặp nạn cửu hoạnh.

Để giải thích rõ nghĩa trên, Đại sư nói, niệm Phật có thể được năm thứ tăng thượng duyên, cũng tức là năm sự lợi ích, trong đó sự lợi ích thứ nhất là diệt tội, sự lợi ích thứ hai là hộ niệm.

Sự lợi ích thứ nhất là diệt tội, như Quán kinh ghi:
Vì ông xưng danh hiệu Phật, nên các tội được tiêu diệt.
Lại nói:

Người chí tâm xưng niệm một tiếng Nam-mô A-di-đà Phật, thì diệt trừ được tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử.
Trong kinh này nói, niệm Phật có thể tiêu trừ trọng tội sanh tử luân hồi từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay.
Đại trí độ luận ghi:

Có các Bồ-tát tự nghĩ phỉ báng đại bát-nhã, bị đọa trong ác đạo trải qua vô lượng kiếp. Tuy tu các hạnh khác nhưng không diệt được tội, sau khi gặp được thiện tri thức dạy niệm Phật A-di-đà, mới tiêu trừ được nghiệp chướng, vãng sanh Tịnh độ.

Cho nên biết, tội phỉ báng chánh pháp rất nặng, còn hơn tạo tội ngũ nghịch, tội nặng như vậy, chỉ niệm Phật A-di-đà mới có thể diệt tội.

Chỉ cần niệm Phật A-di-đà, tội nặng còn tiêu diệt huống gì tội nhẹ; nếu không niệm Phật, tội nhẹ còn không diệt được huống gì tội nặng. Cho nên, một hạt cát tuy nhẹ nhưng thả vào nước liền chìm xuống đáy, còn hòn đá dù nặng nhưng nếu đặt lên thuyền thì sẽ qua được bờ bên kia.

Trong Pháp sự tán, Đại sư Thiện Đạo nói:

Do nguyện lực Phật
Ngũ nghịch, thập ác
Tội diệt, vãng sanh
Báng pháp, xiển- đề
Hồi tâm đều sanh.
Bất luận tội phước nhiều hay ít,
Nhất tâm niệm Phật chớ sanh nghi.

Lại nữa, trong  Bát-chu tán ghi:

Báng pháp, xiển-đề, hành thập ác
Hồi tâm niệm Phật, tội đều tiêu
Kiếm bén tức là danh hiệu Phật
Một tiếng xưng niệm, tội đều trừ
Mỗi niệm xưng danh, thường sám hối
Người hay niệm Phật, Phật nhớ người.

 Sự lợi ích thứ hai là hộ niệm: Ngoài hai điều đã nói ở trước là chư Phật hộ niệm và nhị thánh bảo vệ, Đức Phật A-di-đà còn sai hai mươi lăm vị đại Bồ-tát thường theo bảo vệ hành giả như bóng theo hình, đồng thời được chư thiên, long, bát bộ thường theo bảo vệ, không bị các tai nạn, chướng nạn.

 Trong Quán niệm pháp môn, Đại sư Thiện Đạo nói:

Kinh Thập vãng sanh ghi:

Đức Phật bảo với Bồ-tát Sơn Hải Huệ và A-nan:
Nếu người nào chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà ở Cực Lạc phương tây, cầu nguyện được vãng sanh, thì từ đó trở đi Ta thường sai hai mươi lăm vị Bồ-tát theo bảo vệ hành giả, không khiến cho ác quỷ, ác thần làm nhiễu loạn, ngày đêm thường được an ổn. Đây tức là hiện đời được các Bồ-tát hộ niệm làm tăng thượng duyên.

Lại nói:

Kinh Bát-chu tam-muội ghi:Nếu người nào chuyên thực hành tam-muội niệm Phật A-di-đà thì thường được tất cả chư thiên, Tứ đại thiên vương, bát bộ, long thần thường theo người đó bảo vệ như bóng theo hình, ưa thích gặp mặt; vĩnh viễn không có các ác quỷ, ác thần, tai ách, chướng nạn làm nhiễu loạn.

Và người này ‘thường ngồi nơi đạo tràng, sanh vào nhà chư Phật’, trong Quán kinh sớ,  Đại sư Thiện Đạo giải thích:

Khi bỏ báo thân liền sanh vào nhà chư Phật, tức là vãng sanh Tịnh độ.Cho nên biết, người niệm Phật, cho dù là người ngu si, thấp hèn, bệnh nặng, ô uế, người ấy hiện tại đã là người rất tốt trong loài người, người thù thắng nhất. Phật và phàm phu là một thể, nên người ấy được ánh sáng của Đức Phật A-di-đà chiếu soi, chư Phật hộ niệm, Bồ-tát, thiên thần thường theo bảo vệ, tiêu trừ tai ách, kéo dài tuổi thọ; mạng chung được vãng sanh, chứng đại Niết-bàn; vượt xa hơn bất cứ người nào trên thế gian.

Nếu không niệm Phật, không nguyện vãng sanh Cực Lạc, thì dù người đó quyền cao chức trọng, nhưng cũng chỉ là quyến thuộc của Diêm vương, càng ngày càng tới gần địa ngục. Như trâu bị đem đến lò mổ, mỗi bước là gần đến cái chết; một khi mạng chung, hối hận cũng không kịp. Khi đó quỷ tốt dẫn đường, đi một mình rơi lệ; ở trước điện bị Diêm vương quở trách, một mình quỳ gối khóc than. Cho nên,

Đại kinh ghi:

Ái dục, vinh hoa,
Không thể giữ mãi,
Đều phải lìa bỏ,
Chẳng gì đáng vui!

Lại nói:

Mình sống, mình chết,
Mình đi, mình tới,
Thân tự phải chịu,
Không ai thay thế.

5-Chỉ có Đức Phật A-di-đà có duyên sâu nặng với chúng sanh

 Nếu nói về duyên phận thì mười phương chư Phật, chư Bồ-tát, chỉ có Đức Phật A-di-đà là có duyên sâu nặng nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất với chúng sanh.

Trong kinh Đại bi ghi:

Chúng sanh trong thế giới Ta-bà này, phiền não sâu dày, chuyên tạo nghiệp ác. Chư Phật trong các thế giới đều

không thể thâu nhận những chúng sanh như thế. Chẳng những họ bị một nghìn bốn trăm Đức Phật mà tất cả chư Phật ở phương khác đều bỏ rơi, vì nghiệp chướng của họ quá nặng.

Thương thay! Chúng sanh chúng ta ở thế giới Ta-bà này phiền não quá sâu dày, chư Phật còn không có thể cứu huống gì Bồ-tát! Chỉ có Đức Phật A-di-đà là vua trong các Đức Phật, Ngài phát lời thệ nguyện sâu rộng, chủ động, bình đẳng, cứu độ chúng ta một cách vô điều kiện,

Ngài phát nguyện:

Mười phương chúng sanh, niệm danh hiệu Tôi, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh thì Tôi không ở ngôi Chánh giác.

Nếu không giúp cho chúng ta vãng sanh thì Đức Phật A-di-đà cũng không thành Phật; nếu chúng ta vãng sanh thì Đức Phật A-di-đà mới thành Phật.

Việc thành Phật của Đức Phật A-di-đà căn cứ vào việc vãng sanh của chúng ta; việc vãng sanh của chúng ta căn cứ vào việc thành Phật của Đức Phật A-di-đà mà quyết định.

Nhưng nay, Đức Phật A-di-đà đã thành Phật thì đương nhiên chúng ta cũng sẽ vãng sanh.

Nghĩa là, việc phát nguyện thành Phật của Đức Phật A-di-đà cùng với việc vãng sanh của mười phương chúng sanh chúng ta là một thể; Đức Phật thành Phật cũng chính là Ngài đã hoàn thành công đức vãng sanh cho chúng sanh chúng ta. Nếu có một chúng sanh nào không hoàn thành công đức vãng sanh thì Đức Phật A-di-đà không thể thành Phật.

Cho nên biết rằng: Đức Phật A-di-đà với chúng ta là một thể. Việc thành Phật của Đức Phật tùy thuộc vào việc vãng sanh của chúng ta, việc vãng sanh của chúng ta dựa vào việc thành Phật của Đức Phật. Như ba cây lau cùng nương tựa vào nhau, nếu thiếu một cây thì sẽ bị đổ. Ngoại trừ Đức Phật A-di-đà ra, còn chư Phật ở mười phương đều không có thệ nguyện này.

Một câu Nam-mô A-di-đà Phật, căn cơ và giáo pháp đồng một thể như chim Cộng mạng, nó có hai đầu nhưng chỉ có một thân, nương vào nhau mà tồn tại.

Trong Đại kinh nói về bi nguyện của Đức Phật A-di-đà:

Ta vì các phàm phu mà làm người bạn không cần mời thỉnh

Gánh vác mọi nặng nhọc cho chúng sanh.
Như đứa con thuần hiếu yêu kính cha mẹ
Coi các chúng sanh như bản thân mình.
Nếu tâm không thể thường bố thí
Rộng cứu chúng sanh thoát mọi khổ
Khiến thế gian lợi ích, an vui
Thì chẳng phải bậc Pháp vương cứu thế.
Chúng sanh luân hồi trong các cõi
Mau về cõi Ta, hưởng an lạc.
Thường vận tâm từ cứu hữu tình
Độ hết chúng sanh thoát địa ngục A-tỳ.
Vì chúng khai tạng pháp
Rộng thí báu công đức.
Tiêu trừ ba độc hại,
Cứu khỏi các ách nạn.
Đóng hết các đường ác

Mở rộng các cửa lành.
Chuyên cầu pháp thanh tịnh
Đem ân huệ lợi ích quần sanh
Khiến các chúng sanh thành tựu công đức.
Ta quyết thành Phật để thực hành rộng nguyện này
Khiến tất cả lo âu, sợ hãi đều trở thành an lạc.

 

Cho nên biết, Đức Phật A-di-đà không chỉ xem chúng ta như bản thân Ngài, mà thậm chí còn xem chúng ta như cha mẹ của Ngài. Bởi từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta bị nghiệp chướng sâu nặng, nên Đức Phật mở ra tạng pháp giúp cho chúng ta thành tựu được công đức, hiện đời thoát ly nghèo khổ, tiêu trừ ách nạn, chuyển tất cả lo âu sợ hãi của chúng ta trở thành an lạc; tương lai được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi.

Tuy chư Phật có nhiều bi nguyện, nhưng chỉ mình đức Phật A-di-đà có bi nguyện này. Cho nên, trong tất cả chư Phật và Bồ-tát, chỉ có Đức Phật A-di-đà là có duyên sâu nặng nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất với chúng sanh.

  1. Sáu chữ ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ nhiếp hết tất cả các pháp môn

Chuyên niệm một câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ thì tự nhiên mười phương chư Phật đều hộ niệm. ‘Hộ niệm’ nghĩa là nhớ nghĩ, che chở khiến cho chúng ta được an ổn, không bị các chướng nạn.

Nên biết, niệm Đức Phật A-di-đà tức là niệm tất cả chư Phật ở mười phương; vãng sanh về Tịnh độ Cực Lạc tức là vãng sanh về mười phương Tịnh độ; có thể đem tự lợi này để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, không cần phải thay đổi để xưng niệm danh hiệu các Đức Phật khác trong mười phương.

Chuyên niệm một câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ thì tự nhiên được hai vị đại Bồ-tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cùng với hai mươi lăm vị đại Bồ-tát khác, không mời thỉnh mà các Ngài tự đến, trong suốt mười hai thời thường hoan hỉ nâng đỡ, che chở, khiến cho người niệm Phật xa lìa các ưu khổ, luôn luôn được an ổn.

Cho nên biết, chỉ cần niệm Đức Phật A-di-đà là chúng ta đã niệm danh hiệu các vị đại Bồ-tát như Quán Thế Âm và Đại Thế Chí rồi, không cần phải xưng niệm riêng các vị Bồ-tát khác.

Chuyên niệm một câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’, tức là đã đầy đủ công đức vô thượng đại lợi, đương nhiên là thù thắng hơn bất kỳ thần chú nào; huống chi một câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ là vua trong các Đức Phật, là tôn quý trong các Đức Phật. Vì thế, ngoài niệm Phật ra không cần phải trì niệm thêm thần chú nào khác.

Phần Lưu thông trong Đại kinh, Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

Nếu có người nghe
Danh hiệu Phật này
Lòng rất vui mừng
Cho đến một niệm
Nên biết người ấy
Được lợi ích lớn
Sẽ được đầy đủ
Công đức vô thượng.

Nên biết, ‘niệm Phật’ đã là công đức ‘vô thượng đại lợi’ thì tất cả các thần chú và các hạnh môn đều là công đức ‘hữu thượng tiểu lợi’. Cho nên, người trí nên bỏ các tạp hạnh ‘hữu thượng tiểu lợi’, mà chuyên niệm sáu chữ hồng danh ‘vô thượng đại lợi’.

Lại nữa, trong kinh Phật thuyết A-di-đà Phật căn bản bí mật thần chú nói:

Danh hiệu Đức Phật A-di-đà đầy đủ công đức vô thượng, bí mật sâu xa, thù thắng vi diệu, vô lượng vô biên, bất khả tư nghị.Vì sao? Vì trong ba chữ ‘A-di-đà’ Phật, có tất cả chư Phật, tất cả chư Bồ-tát, Thanh văn A-la-hán trong mười phương ba thời và bao gồm tất cả các kinh điển, thần chú đà-la-ni, vô lượng pháp tu.

Cho nên, danh hiệu Đức Phật A-di-đà chính là pháp Đại thừa chí cực vô thượng chân thật, là diệu hạnh vô thượng thù thắng thanh tịnh liễu nghĩa, là thần chú vô thượng tối thắng vi diệu.

Còn kệ nói rằng:
Chữ A: Chư Phật trong mười phương ba thời,
Chữ Di: Tất cả các Bồ-tát,
Chữ Đà: Tám vạn các thánh giáo,

Trong ba chữ đã đủ tất cả.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có chúng sanh nghe nói đến Đức Phật A-di-đà, vui mừng hớn hở chí tâm xưng niệm, tin sâu không giải đãi, sẽ được công đức bất khả tư nghị.

Hiện đời được niềm vui không gì sánh bằng; hoặc chuyển nghèo cùng thành giàu sang, hoặc thoát được các khổ bệnh hoạn do nghiệp báo đời trước bức bách, hoặc chuyển đoản mệnh thành trường thọ, hoặc hóa giải được oan gia, được con cháu đông vui, thân tâm an lạc, đầy đủ như  ý, các công đức này không thể kể hết được.

Nên biết, một câu Nam-mô A-di-đà Phật là vua trong các Đức Phật, vua trong các pháp, vua trong các thần chú, vua trong mọi công đức. Chuyên niệm một câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’, tức là trì hết, niệm hết tất cả chư Phật, chư Bồ-tát, các kinh chú, các hạnh môn. ‘Sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật nhiếp trọn tám vạn bốn nghìn pháp môn’, cũng có nghĩa là ‘bao gồm tám giáo, nhiếp trọn năm tông’, hiện đời thân tâm an lạc, khi lâm chung được vãng sanh Tịnh độ.

Kinh Đại bi ghi:

Một phen xưng danh hiệu Phật, nếu dùng thiện căn này nhập vào cõi Niết-bàn thì không  thể cùng tận.

Trong Quán kinh ghi:

Khi tâm nhớ đến Phật, thì tâm ấy tức là ba mươi hai đại nhân tướng và tám mươi tùy hình hảo.

Trong kinh ghi:

Nếu có người dùng bảy báu trong bốn châu thiên hạ đem cúng dường chư Phật và các bậc Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn thì được phước rất nhiều; nhưng không bằng người khuyên người khác niệm Phật một tiếng, thì phước của người này thù thắng hơn người kia.

Kinh Niết bàn ghi:

Đức Phật bảo Đại vương:
– Giả sử mở kho lớn bố thí cho tất cả chúng sanh trong một tháng, nhưng công đức cũng không bằng có người xưng niệm một câu danh hiệu Phật, công đức của người trước không thể sánh bằng.

Kinh Tăng nhất A-hàm ghi:Nếu có người đem tứ sự cúng dường cho tất cả chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề, so với người xưng danh hiệu Phật bằng khoảng thời gian vắt sữa bò, thì công đức của người này vượt hơn người trước không thể nghĩ bàn.

Luận Đại trí độ ghi:
Thí như có người vừa mới sanh ra liền có thể một ngày đi được nghìn dặm, đi đủ một nghìn năm, lấy đủ bảy báu đem cúng dường chư Phật, nhưng phước đức của người này cũng không thù thắng bằng người ở trong đời ác ngũ trược xưng niệm một tiếng Nam-mô A-di-đà Phật. 

 Đại sư Thiện Đạo nói:

Các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với niệm Phật thì hoàn toàn không thể sánh bằng.

Đại sư Khánh Văn nói:

Chuyên xưng danh hiệu một Đức Phật, nghĩa là đã xưng danh hiệu của đầy đủ các Đức Phật, công đức vô lượng diệt trừ được tội chướng, được vãng sanh Tịnh độ không cần phải nghi ngờ!

Luật sư Nguyên Chiếu nói:

Cứu cánh nhất thừa, chung quy cũng đều về Lạc Bang;

Viên tu vạn hạnh, chỉ niệm danh hiệu Phật là hơn hết .
Lại nói:

Huống chi Đức Phật A-di-đà của chúng ta dùng danh hiệu để nhiếp thủ chúng sanh, vì thế, miệng tụng tai nghe, vô biên thánh đức gieo vào thức tâm, mãi mãi giữ gìn được chủng tử Phật, mau trừ được ức kiếp trọng tội, chứng được Vô thượng bồ-đề. Tin biết không phải là thiểu thiện căn mà là đa công đức.

Pháp sư Giới Độ nói:

Danh hiệu Phật là do Phật huân tu từ nhiều kiếp, vạn đức bao gồm trong bốn chữ, cho nên xưng danh hiệu Phật được lợi ích rất nhiều.

Pháp sư Dụng Khâm nói:

Nay nếu ta dùng tâm và miệng xưng niệm danh hiệu một Đức Phật, thì từ nhân đến quả đều được đầy đủ vô lượng công đức.

Đại sư Gia Tường nói:Đức Phật có vô lượng công đức, niệm Phật cũng được vô lượng công đức, cho nên diệt trừ được vô lượng tội.
Đại sư Pháp Vị nói:

Chư Phật đều có tên là Thí Đức, nên xưng danh tức là xưng đức, đức có thể diệt tội sanh phước, danh cũng như thế.

Nếu tin danh hiệu Phật, thì có thể phát sanh thiện căn diệt trừ tội chướng quyết định không nghi ngờ, thì xưng danh được vãng sanh, điều này còn nghi ngờ gì nữa !

Trích Sách Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                 

Viết một bình luận