Tư Tưởng Tịnh Độ Thiện Đạo Đại Sư

39. TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ CỦA ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO

         Tóm tắt nội dung

 Đại sư Thiện Đạo là một danh tăng của đời Đường, có vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, ngài đích thực là người sáng lập tông Tịnh Độ. Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo được cấu thành trên ba quan điểm: Thuyết bản nguyện tha lực, luận về vãng sanh, luận về niệm Phật. Thuyết bản nguyện tha lực là nền tảng lý luận của Đại sư Thiện Đạo về tông Tịnh Độ, luận về vãng sanh là tiêu chí và mục đích để trình bày tín ngưỡng Tịnh độ, luận về niệm Phật là trọng điểm và phương tiện nối liền hai vấn đề trên, nó cũng là bộ phận cốt yếu của lý luận về tông Tịn

Thuyết bản nguyện tha lực

Vào thời của Đại sư Thiện Đạo (613- 681) đang nảy sinh và lưu hành tư tưởng mạt pháp, vì Đại sư hết sức lo lắng cho tình trạng chung của đại đa số quần chúng trong xã hội nên đã đề xuất học thuyết bản nguyện tha lực. Ngài xét căn cơ của chúng sanh thời mạt pháp, tố chất bên trong của họ và điều kiện đủ để được thành Phật quá chênh lệch, nếu dựa vào sức của tự thân thì không cách nào được giải thoát, chỉ nhờ nguyện lực của Đức Phật A-di-đà cứu giúp mới có thể lìa khổ nạn, vượt thoát sanh tử, vãng sanh về Tịnh độ của Đức Phật A-di-đà được hạnh phúc trọn vẹn.

      1.1. Thiết lập tư tưởng tha lực

Tư tưởng tha lực của Đại sư Thiện Đạo chủ yếu được thiết lập thông qua lý luận phán giáo. Phán giáo là xét theo một trình tự nhất định, đem kinh điển Phật giáo sắp xếp theo tổ hợp, từ đó đưa ra kinh điển chính yếu mà kinh này y cứ.

Đại sư Thiện Đạo căn cứ trên lý luận phán giáo về Tịnh độ của các vị Đàm Loan, Đạo Xước, từ đó chia ra hai đường khó và dễ để tu hành thành Phật. Ngài cổ xúy đạo dễ hành, phủ định đạo khó hành, tìm pháp môn đơn giản cho chúng sanh thời mạt pháp dễ dàng tu tập theo. Lý luận chủ yếu của đạo khó hành và đạo dễ hành xuất phát từ tác phẩm Thập trụ tì-bà-sa luận của Long Thọ.

Luận này nói: “Nói đến địa vị A-duy-việt trí là pháp rất khó, trải qua thời gian lâu dài mới đạt được. Nếu có đạo dễ hành, có thể nhanh chóng chứng đắc địa vị A-duy-việt trí, thì đó là lời của kẻ yếu ớt kém cỏi, không phải là lời nói của bậc thượng căn thượng trí.

Nếu ông nhất định muốn được nghe pháp phương tiện này, ta sẽ nói cho ông biết. Phật pháp có vô lượng pháp môn, giống như những con đường trong thế gian có đường dễ đi, có đường khó đi; người đi đường bộ thì phải nhọc nhằn tự mình lội bộ, kẻ đi đường thủy thì bước xuống thuyền,

thuyền đưa đi rất khỏe khoắn. Con đường của Bồ-tát cũng giống như vậy, hoặc có khi phải tự mình siêng năng tinh tấn, hoặc có khi dùng tín phương tiện, dễ thực hành mà lại nhanh chứng đắc địa vị A-duy-việt trí. (…)

Các Đức Như Lai như vậy, nếu người muốn nhanh đạt được địa vị bất thoái chuyển, nên dùng tâm cung kính, chấp trì xưng niệm danh hiệu”. A-duy-việt là dịch âm từ Phạn văn, có nghĩa là không thoái chuyển, chỉ cho hàng phàm phu một khi đã chứng đắc giai vị Bồ-tát thì không còn quay lại thân phận phàm phu nữa.

Bồ-tát Long Thọ nêu rõ hai con đường khó và dễ, ngài không chủ trương chúng sanh tu tập theo đạo dễ hành, mà chủ trương chúng sanh nên tự gắng sức để thành Phật. Long Thọ cho rằng Đức Phật vì lòng từ bi, thương xót những người tâm địa kém cỏi nên mới đưa ra pháp môn phương tiện là đạo dễ hành.

Đại sư Thiện Đạo nhận định rằng, ngài Long Thọ không chủ trương đạo dễ hành vì thời đại của ngài chưa phải là thời mạt pháp, chúng sanh phần nhiều là lợi căn, nên đạo khó hành thích hợp với họ.

Còn hiện tại, thời Đại sư Thiện Đạo đang sống là thời mạt pháp, chúng sanh đều là hạng độn căn, không thể thực hành được pháp môn của bậc thượng căn, họ không đi nổi con đường nhọc nhằn. Chúng sanh trong thời mạt pháp, chỉ có một con đường họ có thể đi được, đó là đạo dễ hành.

Bằng không thì chúng sanh sẽ vĩnh viễn chìm trong dầu sôi lửa bỏng, không thể giải thoát. Đại sư Thiện Đạo cho rằng đặc trưng của tông Tịnh Độ là chấp trì danh hiệu Đức Phật A-di-đà, đây là con đường duy nhất để chúng sanh thời mạt pháp cầu giải thoát.

Long Thọ tuy cũng đề cập đạo dễ hành, nhưng không xác định là hạng người có tâm tánh kém cỏi như thế nào mới nên áp dụng đạo dễ hành để được cứu thoát.

Đại sư Thiện Đạo thì nhận thức minh bạch quan điểm này, Ngài trình bày và phát huy triệt để tư tưởng bản nguyện tha lực, dùng đạo dễ hành để giải quyết vấn đề là làm cách nào để cứu giúp chúng sanh khổ nạn.

     1.2. Tư tưởng bản nguyện

Tư tưởng bản nguyện là đặc trưng chủ yếu của Phật giáo Đại thừa. Bản nguyện là chỉ cho Bồ-tát khi đang tu hành, tương lai sẽ thành Phật, ngài lập thệ nguyện trước khi kiến thiết quốc độ của mình. Bản nguyện có hai loại là Tổng nguyện và Biệt nguyện.

Tổng nguyện là tất cả Bồ-tát đều có chung thệ nguyện, đó là “Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh”. Biệt nguyện là cách riêng mà mỗi vị Bồ-tát dùng để độ sanh. Kinh điển Tịnh độ tuyên dương rằng, nói về tư tưởng bản nguyện thì bản nguyện của Đức Phật A-di-đà là nổi tiếng hơn hết.

Đại sư Thiện Đạo đã căn cứ theo tư tưởng này để thành lập lý luận về đạo dễ hành. Theo kinh Vô Lượng Thọ nói: Trước khi thành Phật, tiền thân của Đức Phật A-di-đà là Bồ-tát Pháp Tạng, khi đang tu hành trong pháp hội của Đức Phật Thế Tự Tại Vương, Ngài từng phát ra 48 thệ nguyện vĩ đại để cứu độ tất cả chúng sanh.

Sau đó, trải qua thời gian tu hành lâu dài, Bồ-tát Pháp Tạng đầy đủ công đức, được thành Phật. Căn cứ theo lời Thế Tôn nói trong kinh này thì 48 nguyện của Phật A-di-đà cũng đã hình thành nên sinh mạng của Ngài, chúng sanh tu hành chỉ cần ở trong phạm vi 48 nguyện thì nhất định được đầy đủ, từ đây trở thành một thành viên trong cõi nước của Đức Phật A-di-đà.

Trong bốn mươi tám nguyện của Đức Phật, xưng danh là trọng tâm, nguyện thứ 34 đến nguyện thứ 37; 42 đến 45, cùng các nguyện 47, 48 đều xác định rõ chỉ cần chúng sanh xưng niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà, liền được vãng sanh. Tư tưởng này đặc biệt thích hợp với quan điểm cơ bản tha lực thành Phật của tông Tịnh Độ, đây cũng chính là điểm được Đại sư Thiện Đạo xem trọng.

Theo Đại sư Thiện Đạo, do chúng sanh thời mạt pháp căn cơ hạ liệt, hơn nữa, sống trong thời ngũ trược ác thế Phật pháp hỗn loạn, chúng sanh không cách nào có thể giải thoát. May mắn gặp được Đức Thế Tôn với lòng từ bi vô lượng đã mở ra pháp môn chấp trì danh hiệu Đức Phật A-di-đà. Chúng sanh nương vào nguyện lực của Đức Phật A-di-đà, đột phá sự hạn chế của bản thân, liền được vãng sanh về quốc độ của Ngài.

Đại sư Thiện Đạo cho rằng, nguyện lực của Đức Phật A-di-đà hiện hữu mọi nơi, tồn tại mọi lúc; bất cứ nơi đâu cũng đều khởi tác dụng, bất cứ thời nào cũng đều hiển nhiên tồn tại. Đây là nói đến sức ảnh hưởng của ngài, có thể tùy thời mà hiển hiện kỳ tích, can dự vào đời sống của người thế tục.

Trong Quán kinh có nói: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, do đó, khi tâm các ngươi nghĩ tưởng đến Phật, tức là 32 tướng, 80 tùy hình hảo thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật, đối với đoạn kinh này,

Đại sư Thiện Đạo trình bày như sau:

“Nói pháp giới là cảnh được hóa hiện, tức là cảnh giới của chúng sanh; nói thân là thân được hóa hiện, tức là thân chư Phật. Nói vào trong tâm tưởng của chúng sanh, do vì chúng sanh khởi niệm mong được thấy Phật, Phật nhờ trí thấy biết vô ngại, liền hiển hiện trong tâm tưởng của họ”. Theo Đại sư Thiện Đạo, sở dĩ chúng sanh có thể thành Phật, kết quả đều là từ nguyện lực của Đức Phật.

Học thuyết bản nguyện tha lực của Đại sư Thiện Đạo khác với tự lực tu hành để thành Phật, học thuyết này của Đại sư đã mang đến một nếp sống trong lành, phù hợp với giới Phật giáo đương thời. Đại sư Thiện Đạo nhấn mạnh đến tác dụng giành cho mọi người nhờ vào sức mạnh từ bên ngoài của Đức Phật A-di-đà, khiến cho nhân tố tin tưởng và ngưỡng mộ Phật giáo càng nổi bật, ngài đã vạch ra lối tu cho giới bình dân đối với Phật pháp.

  1. Luận điểm về vãng sanh

Phật giáo cho rằng chúng sanh ở trong thế giới này rất đau khổ, không được tự do, muốn thoát khỏi tình trạng này thì cảnh giới lý tưởng họ phải đạt đến là niết-bàn, Niết-bàn có hai loại là Niết-bàn Hữu dư và niết-bàn Vô dư. Niết

bàn Hữu dư là đã đoạn trừ tham dục, đoạn dứt phiền não, tiêu diệt nguyên nhân sanh tử, chỉ vì quả báo được tạo thành do hoặc nghiệp đã tạo tác từ đời trước, nên còn tồn tại nhục thân.

Niết-bàn Vô dư là cảnh giới cao hơn so với Niết-bàn Hữu dư, trong cảnh giới này không những đã không tồn tại nhục thân trước kia, mà tư tưởng cũng dừng lặng, chìm vào trạng thái thân tâm tịch tĩnh, tiêu mất nhân quả sanh tử, không còn trở lại thọ sanh trong luân hồi.

Theo quan điểm của Đại sư Thiện Đạo, lý luận về niết-bàn không phù hợp cho nhu cầu thiết yếu của chúng sanh thời mạt pháp. Niết-bàn Hữu dư dựa vào tự lực, còn niết-bàn Vô dư không những phải dựa vào tự lực, mà cảnh giới lại quá cao, đối với dân chúng thông thường trong hạ tầng xã hội thì không có ý nghĩa bao nhiêu, do đó ngài đề xuất lý luận vãng sanh.

Vãng sanh chính là xa lìa thế giới Ta-bà, tức là xa lìa thế giới thế tục, đến cõi Tịnh độ Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà, hóa sanh trong hoa sen. Đại sư Thiện Đạo cho rằng thế giới mà chúng sanh đang cư ngụ là Uế độ, thế giới Tây phương Cực Lạc là Tịnh độ, trong cõi Tịnh độ chỉ có hạnh phúc, không có đau khổ; chỉ có niềm vui, không có buồn phiền.

Do nguyện lực vĩ đại của Đức Phật A-di-đà nên tất cả chúng sanh, dù là chúng sanh tạo trọng tội cực ác, chỉ cần thành tâm xưng danh hiệu của Ngài thì đều được tiếp dẫn đến thế giới Tịnh độ
         Nội dung học thuyết vãng sanh của Đại sư Thiện Đạo chủ yếu bao hàm trong hai phương diện phàm phu luận và Báo độ luận.

         2.1. Luận điểm về phàm phu là chủ thể vãng sanh

Quan điểm về tông Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo là kết quả từ ý thức về mạt pháp, Tịnh tông cho rằng chúng sanh đều là phàm phu căn cơ thấp kém. Tư tưởng về phàm phu của Đại sư Thiện Đạo chủ yếu thể hiện qua cách ngài giải thích về ba bậc chín phẩm và tư cách của bà Vi-đề-hi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Vi-đề-hi là nhân vật trong Quán kinh, chính bà là nguyên nhân để Đức Phật tuyên nói kinh này.

Quán kinh đề cập việc người đời khi vãng sanh về cõi nước Cực Lạc bao gồm trong ba bậc chín phẩm, tức là ba bậc thượng, trung, hạ; trong đó mỗi bậc lại chia làm ba phẩm thượng, trung, hạ. Đối với giai vị của ba bậc chín phẩm này, cách nhìn của các tông phái Phật giáo Trung Quốc không giống nhau, trong đó, cách nhận định của ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn mang tính đại biểu nhất.

Đại sư Huệ Viễn cho rằng ba phẩm bậc thượng là Bồ-tát Đại thừa, ba phẩm bậc trung là thánh nhân Tiểu thừa, ba phẩm bậc hạ là phàm phu mới học Đại thừa. Theo ngài Huệ Viễn, vì căn cơ của chúng sanh không đồng, sự nỗ lực của mỗi người cũng không đồng, vì vậy giai vị đạt được ở cõi Tịnh độ cũng không như nhau. Mặc dù ngài Huệ Viễn không hề hoài nghi về khả năng vãng sanh của chúng sanh, nhưng Đại sư Thiện Đạo không đồng ý với quan điểm này.

Đại sư Thiện Đạo đứng trên lập trường tư tưởng tha lực của tông Tịnh Độ, tuyệt đối phủ định khả năng chúng sanh có thể dựa vào tự lực để vãng sanh. Theo quan điểm của Đại sư Thiện Đạo, nhầm lẫn của ngài Huệ Viễn chính là từ trên quả mà phán định giai vị của chúng sanh, cho rằng giai vị vãng sanh mà chúng sanh đạt được là kết quả từ sự nỗ lực của tự thân họ, quan điểm này vô tình phủ định tác dụng của tha lực.

Đại sư Thiện Đạo cho rằng chúng sanh có thể vãng sanh được đến cõi Tịnh độ của Đức Phật A-di-đà hoàn toàn là nhờ lòng từ bi của Đức Phật. Vì chúng sanh trong thời mạt pháp căn cơ chênh lệch, phải nương theo nguyện lực, phải nương theo lòng từ bi của Đức Phật A-di-đà thì mới có thể được cứu giúp, bằng không thì bất luận là họ có cố gắng đến đâu đi nữa cũng không thể vãng sanh.

Tiếp theo, chúng ta sẽ xét xem Đại sư Thiện Đạo tiến

hành phân tích và nhận định cụ thể như thế nào đối với học thuyết ba bậc chín phẩm của Đại sư Huệ Viễn.

Đại sư Thiện Đạo cho rằng nếu thừa nhận theo cách nói ngài Huệ Viễn rằng ba phẩm bậc thượng chỉ dành cho hàng thánh nhân Đại thừa thì sẽ có sự mâu thuẫn, vì xét theo kinh Phật thì Đại thừa thánh nhân là bậc phải có đủ thần thông, đã thoát khỏi sanh tử luân hồi, là người đã đạt đến giai đoạn tu hành cao.

Nhưng trong Quán kinh lại nói vì bà Vi-đề-hi thưa thỉnh Đức Thế Tôn, cầu xin được vãng sanh về cõi An Lạc nên có ba phẩm bậc thượng, vậy thì ba phẩm bậc thượng là dành cho hạng người nào? Đại sư Thiện Đạo cho rằng là thuộc về phàm phu Đại thừa.

Quán kinh nói: “Có ba hạng chúng sanh được vãng sanh, một là tâm từ bi không giết hại, giữ đầy đủ các giới hạnh; hai là đọc tụng kinh điển Đại thừa; ba là niệm Phật A-di-đà, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh về cõi nước của Ngài, đầy đủ các công đức thì một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh”

Đại sư Thiện Đạo cho rằng đoạn kinh văn này minh chứng rằng ba hạng chúng sanh đều là chúng sanh nguyện được vãng sanh nên được Đức Phật A-di-đà đến tiếp dẫn, chứng tỏ họ nhờ vào nguyện lực của Đức Phật A-di-đà nên mới được vãng sanh. Hơn nữa, đoạn kinh trên còn chứng minh rằng ba hạng chúng sanh tin tưởng và phụng hành theo là Phật giáo Đại thừa, cho nên nói là phàm phu Đại thừa, chỉ vì tình trạng vãng sanh không giống nhau nên mới chia thành ba phẩm.

Thượng phẩm thượng sanh được Đức Phật cùng vô số hóa Phật đến tiếp dẫn, Thượng phẩm trung sanh thì được Đức Phật cùng một nghìn vị hóa Phật đến tiếp dẫn,

Thượng phẩm hạ sanh thì được Đức Phật cùng năm trăm vị hóa Phật đến tiếp dẫn. Xuất hiện những sai khác này là do thuở sanh tiền chúng sanh tạo tác nghiệp không giống nhau, cho nên sự tương ưng với nguyện lực của Đức Phật A-di-đà cũng không như nhau.

Tương tự như vậy, Đại sư Thiện Đạo cho rằng nếu như theo quan niệm của Đại sư Huệ Viễn mà cho ba phẩm bậc trung thuộc thánh nhân Tiểu thừa, ba phẩm bậc hạ là phàm phu mới học Đại thừa thì cũng không thể thành lập được. Từ sự quan sát nhân duyên được vãng sanh của ba bậc chín phẩm

Đại sư Thiện Đạo xét thấy điều kiện tiếp xúc bên ngoài

bất đồng nên phán định người được vãng sanh là phàm phu; còn ngài Huệ Viễn thì từ sự quan sát nghiệp quả ba bậc chín phẩm mà phán định họ là thánh nhân. Thông qua sự phê bình đối với ngài Huệ Viễn, Đại sư Thiện Đạo xác định tính chất phàm phu của ba bậc chín phẩm, từ đó nâng Quán kinh lên vị trí cao nhất trong thời mạt pháp.

Lý luận về phàm phu của Đại sư Thiện Đạo đồng thời cũng phán định tư cách của bà Vi-đề-hi. Vi-đề-hi là phu nhân của vua Tần-bà-sa-la và là mẹ của vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà, thuộc trung Ấn Độ.

Theo Quán kinh ghi lại, vua A-xà-thế đã cho cầm tù phụ vương của ông trong bảy lớp ngục thất, có ý đồ bỏ đói cha mình cho đến chết. Khi phu nhân Vi-đề-hi đến thăm nom chăm sóc phụ hoàng, vua A-xà-thế hay tin liền nổi cơn thịnh nộ cũng đem mẹ mình giam vào cung cấm.

Vi-đề-hi và vua Tần-bà-sa-la chán nản thế thái nhân tình, nên ở trong ngục họ thầm niệm Đức Phật Thích-ca, thỉnh cầu Đức Thế Tôn dạy cho họ con đường thoát ly. Đức Phật liền hiển thị thần thông, tuyên nói Quán kinh, dạy họ xưng danh niệm Phật là con đường thoát ly sanh tử cho chúng sanh thời mạt pháp.

Căn cứ theo ý này, ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn và Đại sư Thiên Thai Trí Giả đều cho rằng Vi-đề-hi là đại Bồ-tát, vì thương chúng sanh đau khổ nên thị hiện thân phàm phu để thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuyết pháp cho chúng sanh. Trong Quán kinh sớ, ngài Huệ Viễn nói: “Phu nhân Vi-đề-hi thật sự là một Bồ-tát lớn, do đó liền đắc Vô sanh pháp nhẫn”. Cũng trong Quán kinh sớ, Đại sư Trí Khải nói: “Vi-đề-hi là một Bồ-tát lớn, do đó liền đắc Vô sanh nhẫn”. Vô sanh nhẫn là chỉ cho bậc đã ngộ được đạo lý các pháp vốn bất sanh bất diệt, tiến lên giai vị Bồ-tát.

Kết luận của các ngài chủ yếu căn cứ theo câu: “Tâm sanh hoan hỉ, khen chưa từng có, hoát nhiên đại ngộ, đắc Vô sanh nhẫn” được nói trong Quán kinh.

Đại sư Thiện Đạo không đồng ý với quan điểm trên, mà cho rằng Vi-đề-hi là phàm phu. Trong Quán kinh sớ, ngài nói: “Phu nhân là phàm chứ không phải thánh, vì bà không phải là thánh nên mới một lòng cầu xin Thánh lực gia hộ; do nương theo Phật lực, nên bà có thể thấy được Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà dù cõi này ở rất xa. Ý đoạn kinh trên muốn nói là Đức Như Lai vì e chúng sanh ngu si, nếu cho rằng phu nhân Vi-đề-hi là thánh nhân chứ không phải phàm phu thì họ nổi lên nghi ngờ rồi đâm ra hèn nhát.

Họ cho rằng nếu Vi-đề-hi là Bồ-tát thị hiện thân phàm, thì bọn tội nhân chúng ta làm sao mà sánh được với bà. Vì muốn cắt đứt sự nghi ngờ này cho chúng sanh nên Đức Thế Tôn bảo rằng: Ngươi là phàm phu, tâm tưởng yếu ớt. Vì là phàm phu nên chưa từng có chí lớn”.

Đại sư Thiện Đạo đã làm sáng tỏ vấn đề, Vi-đề-hi sở dĩ có thể thấy được cảnh tượng trong quốc độ của Đức Phật A-di-đà là nhờ vào nguyện lực của Phật, chứ không phải vì phu nhân là Bồ-tát. Nếu nói Vi-đề-hi là Bồ-tát thì hàng phàm phu thế tục sẽ e ngại mà chùn bước, vì vậy Đức Phật nói: “Ngươi là phàm phu, tâm tưởng hạ liệt”.

Định tánh phàm phu của Vi-đề-hi và tư tưởng tha lực trong Quán kinh thống nhất với nhau. Do Vi-đề-hi là phàm phu, nên bà không thể dựa vào sức của mình để được vãng sanh, mà hiện thực thì Vi-đề-hi đã được vãng sanh, đó là tác dụng từ nguyện lực của Đức Phật A-di-đà.

Vi-đề-hi có thể vãng sanh, vậy thì phàm phu thế tục cũng có phần, họ cũng có thể nương vào nguyện lực của Đức Phật A-di-đà mà vãng sanh về Tịnh độ. Cách nói này của Đại sư Thiện Đạo có tác dụng rất lớn, thu hút mọi người tin tưởng không nghi ngờ về cõi nước của Đức Phật.

Từ những điều nêu trên, có thể nhận thấy lý luận về phàm phu của Đại sư Thiện Đạo chủ yếu là muốn giải quyết vấn đề vãng sanh. Ngài áp dụng một phương thức rất đặc biệt, trước hết phủ định khả năng tự lực của chúng sanh, sau đó nêu lên nguyện lực của Đức Phật A-di-đà, giúp chúng sanh nương theo sức bên ngoài để được vãng sanh, vì vậy cách nhìn của Đại sư Thiện Đạo đối với chúng sanh thời mạt pháp và phương thức mà ngài chọn để áp dụng có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Tuy trên mặt lý luận, Đại sư Thiện Đạo cũng đặt ra giả thuyết chúng sanh có khả năng tự vãng sanh nhưng ngài không thể không lưu ý đến tình trạng hiện thực của chúng sanh, không phải bất cứ người nào trong xã hội cũng đều có cảm tình với Phật giáo, thậm chí họ còn tỏ thái độ chống đối quyết liệt.

Nếu như ngài không tiến hành phân tích làm sáng tỏ vấn đề, mà chỉ một mực chú trọng đề cập đến việc vãng sanh thì sẽ làm giảm đi sức thu hút của tông Tịnh Độ đối với mọi người. Đại sư Thiện Đạo nhấn mạnh rằng tất cả chúng sanh đều có thể vãng sanh, ngài cũng chỉ ra sự bất đồng khi vãng sanh.

Như đã nói ở trước, Thượng phẩm thượng sanh thì được Tây phương tam Thánh (Đức Phật A-di-đà, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Quán Thế Âm) cùng vô số hóa Phật và đại chúng đến nghênh đón, hoa sen cũng liền nở ra. Hạ phẩm hạ sanh thì không có người đến nghênh đón, hoa sen cũng phải trải qua thời gian mười hai kiếp dài đằng đẵng mới nở, sau đó Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Quán Thế Âm mới thuyết pháp cho họ.

Đại sư Thiện Đạo rất tin tưởng về việc vãng sanh của chúng sanh, đối với việc vãng sanh khác nhau của họ, ngài tiến hành phân tích chia chẻ rõ ràng, nhằm thu hút mọi người trong mọi giai tầng xã hội đều tin tưởng và ngưỡng mộ về Tịnh độ của Đức Phật A-di-đà.

Còn tiếp

Trích Sách Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

1 bình luận về “Tư Tưởng Tịnh Độ Thiện Đạo Đại Sư”

Viết một bình luận