Mỗi ngày làm một điều lành

152.Mỗi ngày làm một điều lành

 

Cư sĩ Cát Phồn đời Tống, người xứ Trừng Giang. Lúc đầu mỗi ngày làm một điều lợi cho người, rồi hành hai điều, ba điều, cho đến mười điều. Suốt mấy mươi năm chưa hề bỏ phế một ngày nào.

Lúc làm quan Thái Thú trấn nhậm vùng Giang Tô, có người hỏi làm thế nào để làm lợi cho người, ông chỉ ngay cái bệ lót chân ở chỗ mình ngồi, bảo:

Nếu vật này chẳng đặt ngay thì sẽ làm người ta què chân, tôi liền kê ngay lại, đấy cũng là việc lợi người. Nếu ai khát, tôi cho uống nước thì cũng là việc lợi người. Chỉ tùy theo từng việc mà làm lợi. Trên cho đến khanh tướng, dưới xuống đến kẻ ăn mày, ai nấy đều có thể làm được. Chỉ cốt sao lâu ngày chẳng buông bỏ mà thôi.

Ông làm quan đến chức Triêu Tán Ðại Phu, dù là phủ đường hay nhà tư, ông đều sắp dọn một gian tịnh thất bày tượng Phật. Một ngày kia, trong lúc ông đang lễ bái niệm Phật, xá-lợi từ trên không hạ xuống. Sau đấy, ông không bệnh tật gì, ngồi ngay ngắn hướng về Tây mà tịch.

Nhận định:

Tùy việc lợi người là trợ hạnh cho Tịnh nghiệp. Xá-lợi từ trên không giáng xuống là do lòng tinh thành cảm nên. Người ta hay than không tiền nên chẳng thể làm công đức, hoặc niệm Phật không cảm ứng, thì do đây sẽ thấy công đức chẳng tốn phí tiền bạc, công niệm Phật chẳng luống uổng, ai nấy chẳng nên quan tâm ra sức tu hành hay sao?

Xin hãy bắt chước ông Cát gắng sức tu hành. Phàm bất cứ việc gì có lợi cho người, chẳng cần biết là việc lớn hay nhỏ, bản thân nhàn rỗi hay bận bịu, sức mình cáng đáng nổi hay không, đều cứ hoan hỷ thi hành, làm được đến đâu hay đến đó!

Trì đã thuần thục, hễ động niệm thì vạn thiện đều nương theo, không việc gì là chẳng lành. Dùng đấy để niệm Phật hồi hướng, ắt phẩm vị vãng sanh sẽ cao!

Trích Tống Sử và Long Thư Tịnh Ðộ Văn

Thích Minh Tuệ

 

 

Viết một bình luận