Tông Chỉ Tông Tịnh Độ (TT)

‘Chuyên’

Vì sao nói ‘chuyên’? Một phương diện là Phật A-di-đà đại từ đại bi cứu độ chúng ta, “bạn nhất định cần phải niệm danh hiệu Ta (Phật A-di-đà), bạn nhất định cần phải ở trong ánh sáng nhiếp thủ của Ta, bạn nhất định chẳng nên xa rời Ta, bạn nhất định phải lên thuyền đại nguyện của Ta, sau khi lên rồi thì chẳng nên bước xuống, bạn nhất định phải ngồi trên máy bay sáu chữ danh hiệu của Ta, một khi bước vào rồi thì đóng chặt cửa không cho bạn bước ra”.

Đây mới gọi là ‘chuyên’, đây mới hiển bày được tâm từ bi của Phật A-di-đà, chẳng phải yêu cầu chúng ta một cách độc đoán: “Chỉ niệm Ta, không được niệm người khác”, Ngài không nói như thế.

Chư Phật trong mười phương pháp giới rất nhiều, pháp môn rất nhiều, nhưng chỉ có một Đức Phật phát bốn mươi tám nguyện cứu độ chúng ta, đương nhiên chúng ta phải niệm vị Phật ấy. Pháp môn tuy nhiều nhưng chúng ta không tu nổi. Pháp môn cứu độ chúng ta mà không đòi hỏi một điều kiện nào, chỉ có pháp môn Tịnh Độ này, chúng ta đương nhiên phải niệm câu danh hiệu này! Điều này rất tự nhiên, đây gọi là ‘chuyên’ vì thế nói ‘chuyên xưng Di-đà Phật danh’.

Nếu chẳng chuyên, nghĩa là tâm chúng ta không tin nhận sự cứu độ của Phật A-di-đà, chẳng biết căn cơ của chính mình như thế nào, cũng chẳng rõ Phật A-di-đà là vị Phật như thế nào, trong tâm chúng ta hoài nghi thì đó là chẳng chuyên.

 

Mọi người hãy tự xét tâm mình, nghĩ xem có phải như thế chăng? Chúng ta đã tu niệm Phật rồi, vì sao còn muốn tu thêm pháp môn khác. Mọi người hãy nghĩ kỹ lại xem, có phải vì cảm thấy câu danh hiệu này chưa đủ, ‘niệm Phật như thế này có thể cứu được tôi không? Tôi còn chưa đạt đến thiền định, tôi còn chưa đạt đến tâm thanh tịnh, niệm câu danh hiệu Phật này có thể giải thoát sanh tử hay không?

 

Câu danh hiệu này thật có đủ công đức chăng? Nếu đạt không đến tiêu chuẩn, Phật có cứu tôi chăng? Thệ nguyện của Phật có triệt để từ bi như thế chăng?’. Chúng ta có tâm hoài nghi thì sẽ chẳng chuyên mà còn muốn tạp. Một khi trong tâm biết trong sáu chữ danh hiệu hoàn toàn có đầy đủ công đức vãng sanh như biển chứa nhiều châu báu, không thiếu thứ gì, thì dù chúng ta muốn tạp cũng không tạp được, vì sao?

 

chú Đại bi, Thập tiểu chú, chú Lăng nghiêm, kinh Pháp hoa, kinh Hoa nghiêm, kinh Kim cang, công đức của bất cứ kinh gì, pháp gì đều nằm trong sáu chữ danh hiệu thì chúng ta làm gì còn muốn tạp nữa!
Lại nữa, tu trì các pháp môn khác, chẳng phải căn cơ của chúng ta làm nổi, dù cho chúng ta thuộc lòng kinh điển, nhưng đến lúc lâm chung đều quên hết, chẳng cần nói chi đến lúc lâm chung, ngay lúc hiện đang sống này mà nếu sức ký ức suy thoái thì chúng ta cũng chẳng nhớ được. Dù cho hiện tại chúng ta tĩnh tọa, trong tâm dường như có một

chút thanh tịnh, có một chút yên tĩnh, đến lúc lâm chung cũng đều dùng không được. Chẳng nói đến lúc lâm chung, ngay cả khi bệnh nặng thì lập tức bị quật ngã.

Thời nhà Tống, có Luật sư Nguyên Chiếu, ngài là Tổ sư Luật tông, ban đầu ngài phát nguyện: “Tôi chẳng cầu sanh về thế giới Cực Lạc ở phương tây, tôi muốn ở thế giới Ta-bà độ chúng sanh”. Phát nguyện xong, ngài tu hành rất tinh tấn dũng mãnh.

 

Kết quả có một lần, ngài trải qua một phen bệnh nặng, cảm thấy thần thức mơ màng, không cách nào làm chủ được, công phu thiền định đã tu lúc bình thường không khởi được tác dụng. May thay! Cơn bệnh nặng này qua khỏi, không cướp đi mạng sống của ngài, ngài được sống lại, lúc ấy mới hiểu ra rằng: Công phu tu hành lúc bình thường, đến lúc nguy cấp dựa vào không vững!

Tổ sư còn như thế, huống gì chúng ta? Vì thế, kinh chú của Thánh đạo đối với chúng ta đều là công khóa trên giấy, chúng ta không cách nào ngộ vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Nếu làm không đến thì chỉ là công phu trên cửa miệng mà thôi!

Công phu trên cửa miệng, nếu dùng niệm Phật, nhờ bản nguyện chân thật của Phật A-di-đà, bạn quyết định được vãng sanh!

Công phu trên cửa miệng, nếu dùng tụng kinh thì đạt được sự lợi ích của tụng kinh, nghĩ muốn giải thoát sanh tử luân hồi thì tìm không ra con đường, vì sao? Vì phải dựa vào sự tu hành của chính bạn (tự lực).

Công phu niệm Phật trên cửa miệng của chúng ta vì sao được vãng sanh? ‘Nam-mô A-di-đà Phật, Nam-mô A-di-đà  Phật, Nam-mô A-di-đà Phật,……’ chính là đang ngồi trên máy bay, chúng ta miệng xưng danh hiệu, nếu chẳng vãng sanh thì Phật A-di-đà chẳng thành Phật, không quan hệ gì đến cảnh giới tu hành của chúng ta.

 

Chúng ta chỉ cần miệng xưng Nam-mô A-di-đà Phật, thì nhất định vãng sanh. ‘Chẳng thể vãng sanh? Chẳng thể vãng sanh Ta (Phật) chịu trách nhiệm! Chịu trách nhiệm như thế nào? Nếu bạn không vãng sanh thì Ta không ở ngôi Chánh giác! Ta đem công đức tu hành trải qua nhiều kiếp, được chứng quả Chánh giác ra chịu trách nhiệm!’. Phật A-di-đà hiện tại đã thành Chánh giác rồi, Ngài hiện tại đã thành Phật rồi, vì thế Đại sư Thiện Đạo giải thích: “Chúng sanh xưng niệm, chắc chắn được vãng sanh”.

Chuyên là xu hướng tất nhiên khi chúng ta tin nhận Di-đà cứu độ.

Đồng thời, câu ‘chuyên xưng Di-đà Phật danh’ này, chẳng phải như quan niệm của một số người cho rằng chuyên, nhưng sau đó còn có thêm một câu “Bạn phải đạt đến một trình độ công phu nào đó”. Tông chỉ của Tịnh Độ nói ‘chuyên xưng Di-đà Phật danh’ vốn là tiếp theo câu ‘tin nhận Di-đà cứu độ’ ở trước, nghĩa là ‘chuyên xưng Di-đà Phật danh’ của ‘tin nhận Di-đà cứu độ’ chứ không có mảy may quan hệ gì đến công phu của chúng ta. Như thế, tâm chúng ta có thể thản nhiên buông xuống. Đây là chúng ta ‘chuyên niệm Di-đà Phật danh’ của ‘tin nhận Di-đà cứu độ’.

Chúng ta vì sao chuyên xưng danh hiệu của Phật A-di-đà? Vì chúng ta tin theo Đức Phật này, chỉ có Đức Phật này cứu độ chúng ta. Chúng ta chỉ cần xưng danh hiệu Ngài thì được Ngài cứu độ. Vì thế, chúng ta từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, từ hôm nay cho đến ngày mai, từ ngày mai cho đến những ngày sau nữa, từ năm nay cho đến sang năm, từ hiện tại cho đến lâm chung, chúng ta đều chuyên xưng niệm câu danh hiệu này; đây gọi là ‘chuyên xưng Di-đà Phật danh’.

Điều này mọi người chúng ta đều có thể làm đến được. Nếu điều này chúng ta làm không nổi thì chư Phật ở khắp mười phương cũng không tìm ra phương pháp nào khác để cứu chúng ta. Miệng xưng danh hiệu Phật mà chúng ta không làm được, thì không còn có phương pháp nào nữa để độ chúng ta!

Tông chỉ thứ ba: Nguyện sanh Di-đà Tịnh độ

Câu này dễ hiểu, tức là nói, chúng ta xưng niệm danh hiệu Di-đà, mục đích chính, ý muốn căn bản của chúng ta là vãng sanh Tịnh độ, chẳng phải là muốn khai trí huệ.
Có người niệm Phật là vì muốn được tâm thanh tịnh, đây chẳng phải là bản nguyện của Phật A-di-đà. Chúng ta niệm Phật là vì muốn sanh về Tịnh độ của Phật A-di-đà là được rồi; tâm thanh tịnh hay chẳng thanh tịnh, điều này không quan hệ gì đến căn cơ của chúng ta.

 

Người có căn cơ tốt, người ấy niệm Phật, tâm thanh tịnh. Người căn cơ không tốt, người ấy niệm Phật, tâm người ấy dù có cố gắng cũng không cách nào thanh tịnh được. Vì thế, không luận đến căn cơ chúng ta có liên quan đến tâm thanh tịnh hay chẳng thanh tịnh.

Thế nên, niệm Phật vãng sanh nguyện (nguyện thứ mười tám của Phật A-di-đà), chỉ cần chúng ta nguyện sanh về tịnh độ của Phật A-di-đà, cũng chẳng phải là cầu đời sau thăng quan, phát tài, đời sau được làm người có phước báo.

 

Tông chỉ thứ tư: Độ khắp mười phương chúng sanh

Chỉ cần chúng ta ‘tin nhận Di-đà cứu độ, chuyên xưng Di-đà Phật danh, nguyện sanh Di-đà tịnh độ’ thì một trăm phần trăm đều được vãng sanh; chỉ cần chúng ta vãng sanh thì một trăm phần trăm đều được thành Phật; chỉ cần chúng ta thành Phật thì một trăm phần trăm đều có thể độ khắp chúng sanh trong mười phương. Vì thế, ‘độ khắp mười phương chúng sanh’ chỉ có pháp môn Tịnh Độ mới có thể đạt đến.

 

Nói ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, nếu chẳng học pháp môn Tịnh Độ này thì một chúng sanh cũng độ không xong, nói chi đến vô biên chúng sanh. Nếu tu trì pháp môn Tịnh Độ thì mới có thể thật sự độ khắp chúng sanh trong mười phương. Đây mới là Bồ-tát đạo, bồ-đề tâm, Bồ-tát

hạnh chân chính.

(còn tiếp)

 

Trích Sách Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

Viết một bình luận