Van Dap 13 Tinh Do

Van Dap 13 Tinh Do

68- Hỏi: Người tu Tịnh nghiệp phải đến trình độ nào mới được vãng sanh theo ý muốn?

Đáp: Hành giả phải đạt Lý niệm Phật Tam-muội (Lý nhất tâm bất loạn), mới được vãng sanh về Tịnh Độ trong mười phương theo ý muốn. (Xin đọc câu đáp 35B).

Pháp sư Tịnh Không nói: “Niệm Phật Thành một khối cũng có thể tự tại vãng sanh”. Nghĩa là sống chết theo ý muốn.

Câu giải đáp trên là trích trong sach Tịnh độ Thực Hành Vấn Đáp xuất bản từ nằm 2011. Nay thì khác hẳn  rồi. Hể có niệm Phật thì chắc chắn được vãng sanh gọi là “bình sanh nghiệp thành” Kính xin doc Bài 150, Vấn Đáp Tịnh Độ 12 đăng ngày 23/7/2020 câu hỏi số 63 Thành kính cám ơn quý vị

69- Hỏi: Con quyết niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm, bảo đảm vãng sanh, để thành Phật độ chúng sanh, nhưng vì phước mỏng, nghiệp dày, chướng sâu, huệ cạn, bệnh hoạn liên tục, có thể con chết sớm chưa đạt Bất niệm tự niệm, vậy con có được vãng sanh không?

Đáp:

  1. Đức Phật dạy: “Bình thời cây to hay bức tường lớn nghiêng hẳn về hướng Tây, khi giông bão tới, cây sẽ ngã, tường sẽ đổ về huớng Tây chứ không thể ngã đổ về hướng nào khác được, vì nó đã nghiêng hẳn về hướng đó rồi”.
  2. Cũng vậy, hành giả Tịnh nghiệp đã có Tín và Nguyện là đã có hướng về rồi, bây giờ cần hành sâu (nghiêng hẳn, có được điểm tối thiểu) để có đủ điều kiện giờ chót vãng sanh.
  3. Dù chưa đạt Bất niệm tự niệm, nhưng nhờ công đức niệm Phật nên:

Được tiêu trừ nhiều nghiệp chướng, sanh nhiều phước đức (Kinh nói: “Niệm một câu A-di-đà Phật diệt được tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử, hưởng được tám mươi ức kiếp công đức vi diệu”). Hiện nay bệnh hoạn đủ thứ đó là trả nợ (trả nợ, sẽ hết nợ) đó là hiện tượng chuyển nghiệp nặng thành nhẹ, nghiệp nhẹ thành không, vậy thì, đáng mừng không gì phải lo sợ.

Huân tập nhiều chủng tử niệm Phật trong tạng thức, dù hiện đời chưa đủ điều kiện (chưa chín mùi) để khởi hiện hành (nhập Tâm) nhưng cũng tương đối nhiều, lớn mạnh (chín nhưng chưa mùi mà thôi) để trước giờ phút lâm chung, thánh chúng và Phật đến phóng hào quang gia hựu (tăng thượng duyên, nâng cấp, giúp cho thêm điểm để đủ điểm đậu) giúp hành giả có chánh niệm, niệm Phật để Phật tiếp dẫn vãng sanh. Phải hiểu gia hựu (gia hộ, gia bị) là tăng thượng duyên (cho thêm điểm) Thí dụ: mười điểm được đậu, Phật đến cho thêm hai điểm, bản thân mình phải có tám điểm mới đậu. Bằng như mình chỉ có từ một đến bảy điểm thì đành chịu rớt.

Bởi vậy, trước giờ phút lâm chung, người niệm Phật nào cũng đều được Phật đến gia hựu (cho thêm điểm, nâng cấp), nhưng đâu phải người nào cũng được Phật tiếp dẫn đâu, đương sự phải có đủ điểm tối thiểu (tám điểm nói trên, nhân sắp chín mùi, gọi là đủ duyên, Phật mới độ được là vậy). Không thể hoàn toàn dựa vào tha lực mà phải có tự lực làm nhân, làm duyên.

Tin hiểu như thế mới là chánh tín, bằng không sẽ rơi vào mê tín. Quý liên hữu nên nhớ kỷ điều này.

70- Hỏi: Bạch Thầy, trước đây con khỏe mạnh, làm chủ điều hành một cửa tiệm, công việc suông sẻ, gia đình hạnh phúc, các con học hành thành đạt. Con đi chùa nghe quí Thầy giảng nào là: Ta-bà vô thường, khổ… bố thí tài thì kiếp sau được giàu có. Bố thí vô úy sẽ không bệnh tật, được sống lâu… Cực Lạc vui sướng, không già, không bệnh, không chết… Một đời thành Phật… Con ngộ được con đường phải đi, nên phát tâm ăn chay trường, hành bố thí cúng dường, tinh tấn dõng mãnh niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc.

Ngày nọ, con thấy mấy bạn con bị đủ thứ khổ nạn. Con nghĩ nếu kiếp sau con cũng vậy thì khổ lắm, nên con nguyện kiếp này bao nhiêu tội nghiệp con lãnh hết, để kiếp sau con về Cực Lạc tu hành thành Phật độ chúng sanh. Con thường nghĩ rằng, con trường chay, ngày đêm niệm Phật không ngừng nghỉ thì Phật A-di-đà cùng chư Phật mười phương hộ niệm con, cuộc đời con sẽ thăng hoa hơn.

Nào ngờ trái ngược hẳn, khoảng sáu tháng qua, bao nhiêu điều xui xẻo đổ ập vào gia đình con. Riêng bản thân con bị mổ mấy lần rồi, mổ cổ mới lành, lại mổ bao tử. Nay con đau yếu đủ thứ, niệm Phật con phải cố gắng lắm mới niệm được, còn lạy Phật thì con đành chịu thua không lạy nổi. Con sợ con sẽ chết trước khi con được Nhập tâm, Bất niệm tự niệm, mất phần vãng sanh theo ý nguyện của con. Bao lần qua, con định thưa với Thầy, nhưng con ngại quá, hôm nay con thật chịu không nổi nữa! Kính xin Thầy từ bi cứu vớt đệ tử. Con xin bái Thầy ba lạy để tạ ơn. Nam-mô A-di-đà Phật.

Đáp: Tôi rất cảm động và thông cảm hoàn cảnh của cô, sau đây tuần tự tôi xin góp ý với cô như sau:

  1. Trước đây gia đình cô hoàn toàn hạnh phúc, đó là quả của nhân thiện đến lúc chín mùi. Trong lúc đó, những nhân không thiện vẫn còn tiềm phục trong Tạng thức, chờ đủ duyên sẽ phát khởi ra.
  2. Những lời quý Thầy dạy là hoàn toàn đúng
  3. Cô tỉnh ngộ, dõng mãnh phát tâm tu hành: trường chay, hành bố thí,cúng dường, quyết tâm tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc là hoàn toàn đúng như pháp.
  4. Cô nghĩ mình hành trì như vậy sẽ được Đức Từ phụ Di-đà và chư Phật trong mười phương hộ niệm cô, cuộc đời cô sẽ thăng hoa hơn, cũng đúng.
  5. Trước những khổ nạn của các bạn, cô sợ là đúng, nhưng đã sợ, thì lẽ ra cô tinh tấn tu hành hơn là quá tốt. Đằng này cô nguyện bao nhiêu tội nghiệp cho cô được trả hết trong đời này (gọi là dồn nghiệp) để cô vãng sanh, để rồi khi gặp khổ, thì không chịu nổi. Nguyện dồn nghiệp là sai, sai chỗ nào?

-Thứ nhất, không phải hết nghiệp mới được vãng sanh, vì mình có quyền mang nghiệp đi vãng sanh, như Phật, Tổ đã nói, gọi là đới nghiệp vãng sanh.

Thứ hai, túc nghiệp con người nhiều biết bao nhiêu kể cho xiết, từ từ trả trong nhiều đời nhiều kiếp. Mặt khác, ta nên tinh tấn tu hành để chuyển nghiệp nặng thành nhẹ, nghiệp nhẹ thành không. Những chủng tử ác đó bây giờ còn tồn tại chờ đợi cơ hội (đủ duyên), lúc nợ chưa đáo hạn thì bao giờ thời điểm đã chín mùi (nợ đáo hạn) mới khởi hiện hành (mới phải trả nợ). Đằng này cô nguyện dồn nghiệp (trả nợ trước ngày đáo hạn), thì những việc cô cho là xui xẻo, đều không phải xui xẻo gì hết, mà chư Phật tác nghịch duyên theo đúng sở nguyện của cô đấy.

Tuy nhiên nợ nhiều quá, trả một lần làm sao cô trả nổi. Lỗi tại ai? Có phải vì quan niệm sai lầm của cô không?

Bây giờ phải làm sao? Theo tôi, cô phải khẩn thiết phát nguyện lại, nguyện đức từ phụ Di-đà cùng chư Phật trong mười phương gia bị cho cô được phục hồi sức khỏe, dõng mãnh tinh tấn niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm để cô được đới nghiệp vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.

Nếu mạng số cô hết, chắc chắn cô được vãng sanh với điều kiện cô phải an nhẫn hành trì niệm Phật A-di-đà cho đến giờ phút cuối cùng, quyết định như vậy không tí nghi ngờ gì cả.

Nhớ! Chính niềm nghi gây chướng ngại vãng sanh.

Đức Thế Tôn đã dạy: “Bình thường cây to, tường lớn nghiêng hẳn về hướng nào, khi gặp mưa to gió lớn quyết định cây đỗ, tường ngã về hướng đã nghiêng hẳn từ trước”. (Hãy đọc câu đáp 69A).

Hằng ngày sau thời khóa công phu, tôi sẽ phục nguyện và hồi hướng công đức cho cô sớm đạt thành sở nguyện.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Ghi chú: Trên đây là tôi thuật lại để làm bài học cho quý liên hữu. Nay xin hoan hỉ báo rằng: liên hữu này đã hồi phục sức khỏe như xưa. Khi đang viết câu vấn đáp này, tôi nhận được điện thoại báo rằng cô niệm Phật đã được nhập tâm tuần rồi, nhưng cô chờ kiểm nghiệm lại cho chắc mới báo.

71- Hỏi: Tu Tịnh nghiệp có cần diệt tham, sân, si không? Nếu cần thì làm sao?

Đáp: Tham, sân, si (tà kiến) là tam độc cần phải dẹp trừ. Đối với hành giả Tịnh Độ chỉ cần duy nhất một câu “A-di-đà Phật”. Vạn đức hồng danh nầy có công năng diệt tội, sanh phước, tăng trưởng thiện căn và chuyển tám thức thành bốn trí, thành Phật còn có dư.

1-Khi niệm sân vừa móng khởi hoặc đã khởi hiện hành (đã nổi cơn sân), chỉ cần nhiếp tâm niệm Phật là xong. Vì tâm một lúc không thể làm hai việc, khi niệm Phật thì niệm sân tự diệt. Bởi vậy Cổ đức dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm (không nhớ, quên niệm Phật)”.

2- Giải pháp trên chỉ là trị ngọn. Sau đây mới là trị tận gốc.

Hành giả niệm Phật là huân tập chủng tử vạn đức vào tạng thức. Tại đây, chủng tử vô lậu này sẽ chuyển hóa (tịnh hóa) chủng tử hữu lậu như tham, sân, si… Tiến trình chuyển hóa này cũng gọi là bạch tịnh hóa hoặc thanh tịnh hóa tạng thức. Khi trong tạng thức không còn chủng tử hữu lậu nữa, (tham, sân, si…) thì tạng thức biến thành vô cấu thức, cũng gọi là bạch tịnh thức (A-mạt-la thức, thức thứ chín). Tiếp theo đó là Đại viên cảnh trí, thành Phật. Kinh Niệm Phật Ba La Mật nói: “Công đức danh hiệu Phật chuyển hóa thân tâm dần dần thanh tịnh mà mình không hề hay biết” là vậy.

72- Hỏi: Người chuyên tu Tịnh nghiệp có cần tụng Kinh sám hối như Lương Hoàng sám và Thủy sám không?

Đáp: Đối với hành giả chuyên tu Tịnh nghiệp, tụng những Kinh sám hối ấy không phải là chánh hạnh, mà là tạp hạnh.

Pháp sư Tịnh Không nói:

-“Niệm Phật là sám hối, Khi niệm Phật tinh tấn, thường thấy bệnh nghiệp hiện tiền, đó là một hiện tượng chuyển nghiệp, đem tội nặng của quá khứ biến thành tội báo nhẹ hiện tại, vì nguyện lực lớn hơn nghiệp lực”. “Khi có tâm sám hối, thề không tái phạm, tức là đã sám hối”. “Phải đoạn ác tu thiện mới đúng nghĩa sám hối”.

-“Thật ra, hết thảy Kinh pháp đều là vì tiêu nghiệp chướng, nhưng nếu nghiệp chướng quá nặng thì tất cả hết thảy Kinh pháp đều mất tác dụng, chẳng thể tiêu trừ tội nghiệp, nhưng vẫn còn có cách riêng để tiêu trừ”.

-“Trong sách Quán Kinh Trực Chỉ là sách chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Ngài Từ Vân Quán Đảnh nói: “Hết thảy tội nghiệp chẳng thể tiêu sạch được, tối hậu, chỉ có niệm A-di-đà Phật mới có thể thật sự tiêu tai””.

Liên Trì Cảnh Sách nói: “Muốn tiêu trừ nghiệp chướng phải niệm Phật, lễ Phật”.

Dùng nhất niệm vạn đức hồng danh chí tôn vô thượng để trung hòa tất cả vọng niệm và thói xấu tham, sân, si từ vô thủy kiếp đến nay. Những nghiệp chướng nặng nề này sẽ dung hòa vào câu thánh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, (người niệm) được đức Phật A-di-đà đại từ đại bi và tất cả chư Phật trong muời phương hộ niệm, che chở, bảo bọc, giúp tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình.

Lễ Phật chính là mỗi ngày chuyên lạy Phật A-di-đà để sám hối nghiệp chướng của chúng ta”. “Lễ Phật một lạy tội diệt Hằng sa”.

Quán Kinh nói: “Niệm một câu A-di-đà Phật diệt được trọng tội sanh tử tám mươi ức kiếp”.

Vậy niệm Phật, lễ Phật là đã sám hối rồi, dành thì giờ tụng Kinh sám hối nói trên để niệm Phật, lễ Phật A-di-đà vừa được diệt hết thảy tội, vừa được tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc, có tốt hơn không

Trich Tinh Do  Thuc Hanh Van Dap

Thich Minh Tue

c

Viết một bình luận