Vấn Đáp 14 Tịnh Độ

 

168.Vấn Đáp 14 Tịnh Độ

73- Hỏi: Người tu Tịnh nghiệp tụng Kinh A-di-đà và các Kinh Đại thừa khác được không?

Đáp: Nói chung, tụng Kinh Phật, trì các chú ngữ là quý rồi, xét riêng hành giả chuyên tu Tịnh nghiệp thì:

– Tụng Kinh A-di-đà là chánh hạnh mà nghiệp phụ. Niệm Phật A-di-đà là chánh hạnh mà nghiệp chánh.

– Còn tụng các Kinh khác, dù là Kinh Đại thừa cũng là tạp hạnh.

Vả lại, danh hiệu A-di-đà Phật là vua các chú (Tuyết Hư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập). Vậy niệm A-di-đà Phật là cao tột, thù thắng hơn trì tụng bất cứ chú ngữ nào khác (xin đọc phần IV, mục 2- Công đức niệm Phật, sách Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh).

Liên Trì Cảnh Sách dạy: “Niệm Phật chính là tụng hết thảy Kinh. Một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” là tinh hoa cô đọng của ba tạng Kinh điển”.

Liên tông Thập nhất Tổ Tĩnh Am đại sư, Liên tông Thập nhị Tổ Triệt Ngộ đại sư, và Pháp sư Tịnh Không đồng dạy: “Niệm Phật phải niệm không xen tạp, không gián đoạn”. Liên tông Bát Tổ Liên Trì đại sư cũng dạy: “Bí quyết của niệm Phật là niệm nhiều, niệm không xen tạp, không gián đoạn”. Tụng Kinh là xen tạp gián đoạn quá nhiều rồi.

Vả lại, trong bốn mươi tám đại nguyện của Phật A-di-đà có nguyện nào nói tụng bao nhiêu biến Kinh để được Ngài tiếp dẫn đâu? Mà nguyện thứ mười tám nói: niệm mười niệm là được Ngài tiếp dẫn. Vậy thì, tụng Kinh và niệm Phật, cái nào hợp với bản nguyện của đức Phật A-di-đà, hợp với lời dạy của đức Bổn sư Thích-ca, chư Thầy, Tổ, cái nào trọng yếu hơn?

Hành giả hãy dành thì giờ tụng Kinh để niệm Phật (bốn chữ hay sáu chữ chuyên nhất, gắn gọn dễ nhập tâm hơn). Niệm nhiều, thì huân trưởng hạt giống Phật càng lớn, đạt Bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh, đúng chí nguyện của mình, đúng bản nguyện của đức từ phụ A-di-đà, đúng lời chỉ giáo của đức Bổn sư Thích-ca, đúng sự mong chờ của chư Thầy, Tổ. Vậy ta còn chần chờ, chọn lựa gì nữa?

74- Hỏi: Người tu Tịnh nghiệp có bắt buộc phải thọ Tam qui, ngũ giới không? 

Đáp: Không bắt buộc, nhưng nếu đủ điều kiện, thì nên thọ.

Trong giới luật dạy:

“Quy y Phật khỏi đọa địa ngục,

Quy y Pháp khỏi đọa ngạ quỷ,

Quy y Tăng khỏi đọa bàng sanh” (súc sanh).

Quán Đỉnh Kinh quyển thứ ba nói: “Nếu người thọ Tam quy, Ngũ giới thì đức Phật sắc cho Thiên Đế: “Ông sai Thiên thần gồm sáu mươi mốt (61) người, ngày đêm, năm tháng đi theo thủ hộ người thọ giới, đừng để cho các quỷ thần ác đột ngột gây não hại””.

Vậy thì, thọ Tam qui sẽ không bị đọa ba đường ác. Nếu thọ thêm Ngũ giới, giữ gìn trọn vẹn, sẽ được Thiên thần thủ hộ, được sống an lành, không bị quỷ thần ác não hại. Đây là tối thắng duyên giúp hành giả dễ tiến tu, sớm thành tựu Tịnh nghiệp.

75- Hỏi: Người tu Tịnh nghiệp có bắt buộc phải ăn chay trường không?

Đáp: Không bắt buộc, nhưng hành giả Tịnh Độ quyết tâm vãng sanh Tây phương Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh, mà còn ăn thịt chúng sanh là thiếu tâm từ bi. Tâm này không tương ưng với tâm Phật nên khó vãng sanh phẩm vị cao. Tổ thứ tám Liên Trì đại sư dạy: “Ăn thịt chúng sanh đồng tội với sát sanh”, “Ác lớn nhất là sát sanh”. Ăn chay là ngưng sát sanh, ngừng được nghiệp sát. Vậy ăn chay được càng nhiều ngày càng tốt, trường chay là quý nhất. Lại nữa, Tổ cũng dạy: “Trong các hạnh thiện, phóng sanh là bậc nhất”.

Vì sao? Vì chúng sanh tham sống, sợ chết. Phóng sanh là cứu mạng sống chúng sanh, là mình tự tu Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), tự tu một trong Lục độ (bố thí: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy) và tự sám hối (chuộc tội sát sanh trước đây).

Được vậy người này hưởng phước đức hiện đời là không bệnh hoạn, được sống lâu. Nếu hồi hướng vãng sanh Cực Lạc, thì đã chuyển phước đức thành công đức.

Công ít mà phước nhiều, nhân nhỏ mà quả to. Không cần phải chờ ngày lễ lớn phóng sanh chim, cá mà hằng ngày nên phóng sanh kiến, dán, ruồi, muỗi, … khi chúng vào nhà cũng tốt lắm rồi.

76- Hỏi: Chúng sanh có thể niệm danh hiệu của các đức Phật khác, có thể cầu sanh về các cõi khác. Cần gì riêng niệm đức Phật A-di-đà cầu sanh về Cực Lạc?

Đáp: Ở đây có bảy nghĩa:

-Một là, vì tâm chúng sanh phần nhiều vẩn đục, tán loạn, nếu niệm khắp cả chư Phật, sẽ khó thành tựu tam muội. Vì vậy, chỉ nên chuyên niệm một đức Phật cầu sanh một cõi nước, khiến cho tâm ý buộc vào một cảnh, dễ thành tựu vãng sanh.

-Hai là, vì đại nguyện từ bi của Phật A-di-đà vô tận, tiếp dẫn những chúng sanh niệm Phật, cho đến niệm mười tiếng cũng được vãng sanh. Còn các đức Phật khác không có nguyện đó.

-Ba là, vì cõi Cực Lạc đủ mọi công đức trang nghiêm thù thắng, khác với những cõi khác. Chúng sanh được sanh về đó dễ tiến đạo hơn.

-Bốn là, vì phàm phu không có trí tuệ, nên y theo lời Phật dạy. Cõi Cực Lạc này đã được đức Phật Thích-ca khẳng định và lặp đi lặp lại khắp trong các kinh điển. Chư Phật nhiều như cát sông Hằng thảy đều khen ngợi.

-Năm là, nếu những chúng sanh nào không có duyên với Phật, Phật không thể độ. Còn chúng sanh ở cõi này, chẳng luận già trẻ, sang hèn, trí ngu…người nào cũng biết có Phật A-di-đà, bất chợt cũng (thốt ra) niệm một câu A-di-đà Phật. Thế nên biết, chúng sanh ở cõi này có nhân duyên lớn với Phật A-di-đà.

-Sáu là, thể tánh của tất cả chư Phật đồng nhau. Một là tất cả, tất cả là một, niệm một đức Phật là niệm tất cả chư Phật.

-Bảy là, Phật A-di-đà là Pháp giới tạng thân, nên niệm A-di-đà Phật là niệm tất cả chư Phật.

Do đó ta chỉ nên chuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện sanh về Cực Lạc, thì sự lợi ích vô cùng to lớn!

77- Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy tu Tam phước. Phước thứ ba là Phát bồ-đề tâm. Vậy, làm sao Phát bồ-đề tâm?

Đáp: Bồ-đề là tên khác của quả vị Phật. Bồ-đề tâm là tâm làm Phật. Phát Bồ-đề tâm là phát khởi cái tâm trên cầu thành Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sanh (thượng cầu hạ hóa). Đấy là Bồ-đề tâm nguyện.

Có một số ít chùa thực hiện lễ Phát Bồ-đề tâm theo nghi thức đặc biệt.

Tịnh Độ tông Thập nhất Tổ Tĩnh Am đại sư dạy: “Tướng trạng Bồ-đề tâm có tám loại, đó là: chánh, tà, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên”. (Xin đọc Khuyến phát Bồ-đề tâm văn).

Tịnh Độ tông Cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư dạy: “Người niệm Phật A-di-đà cầu nguyện vãng sanh Cực Lạc để thành Phật cứu độ hết thảy chúng sanh. Đó là đương nhiên đã phát Bồ-đề tâm rồi

Trích Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp

Thích Minh Tuệ

 

Viết một bình luận