Vấn Đáp Tịnh Độ 15

179.Vấn Đáp Tịnh Độ 15

Hỏi: Bồ-đề tâm hạnh là gì?

Đáp: Bồ-đề tâm hạnh là những thiện hạnh nhằm mục đích thành Phật độ chúng sanh.

Nó rộng lớn bao trùm lục độ vạn hạnh của Bồ-tát. Hành giả tu năm mươi hai (52) giai vị Bồ-tát (Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác) đều tu Bồ-đề tâm hạnh để thành Phật. Niệm Phật là hạnh chánh của Bồ-đề tâm hạnh.

79- Hỏi: Hành giả chuyên tu khi lâm bệnh, có cần niệm Phật Dược Sư hay tụng Kinh Dược Sư để trị bệnh không?

Đáp: Kinh Vô Lượng Thọ nói Phật A-di-đà là vua trong các vị Phật (Phật trung chi vương). Vậy thì, Phật Dược Sư trị lành bệnh, chẳng lẽ Phật A-di-đà trị bệnh không được sao?

Vả lại, nếu niệm Phật Dược Sư, tụng Kinh Dược Sư là tạp tu, bị xen tạp và bị gián đoạn rồi.

“Linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Nếu ta có lòng tin nơi Phật A-di-đà thì nên niệm Phật A-di-đà, nhất cử không những lưỡng tiện mà là vạn tiện (được lành bệnh, lại thêm được vãng sanh Cực Lạc).

80- Hỏi: Hành giả chuyên tu Tịnh nghiệp khi bị đau ốm, khổ nạn, có cần Niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để được cứu khổ cứu nạn không?

Đáp: Kinh Thập vãng sanh nói: “Đức Phật A-di-đà sai hai mươi lăm vị Bồ Tát trong đó có Quán-thế-âm Bồ-Tát ngày đêm hộ trì người niệm Phật”. Như vậy đâu phải chờ hành giả niệm danh hiệu Ngài, Ngài mới hộ trì đâu.

Kinh cũng nói: “Người niệm Phật mỗi ngày mười vạn (100.000) câu trở lên, Phật A-di-đà sẽ trực tiếp hộ niệm người ấy”.

Kinh Vô Lượng Thọ nói Phật A-di-đà là vua trong các vị Phật (Phật trung chi vương). Phật A-di-đà là Thầy của Quán-thế-âm Bồ-tát. Quán-thế-âm Bồ-tát cứu khổ cứu nạn được, chả lẽ Phật A-di-đà chẳng cứu khổ cứu nạn được sao? 

Mặt khác, xét về mặt công đức, các Kinh, luận nói như sau:

– Kinh Thập Luận nói: “Một trăm kiếp niệm Quán Thế Âm, chẳng bằng khoảng thời gian một bữa ăn niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng”.

– Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói: “Một đại kiếp niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, chẳng bằng niệm một câu A Di Đà Phật”.

Vậy thì, công đức niệm một câu A-di-đà Phật so với công đức niệm một câu Quán Thế Âm Bồ Tát, nhiều gấp trăm, ngàn, vạn, ức, ức… lần, không sao kể xiết. Hiểu vậy người trí chọn niệm nào?

“Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, nghĩa là linh hay không linh cũng tự nơi mình, tin thì linh, không tin thì không linh.

Thiết nghĩ, hành giả chuyên tu chánh hạnh, chánh định nghiệp, luôn được Phật A-di-đà và chư Bồ-tát bảo hộ, hãy để quý Ngài tự an bài, mình chẳng cần lo nghĩ gì khác, mặc kệ mọi tình tình huống, chỉ một bề niệm Phật, tích công lũy đức, cầu vãng sanh Cực Lạc là thượng sách.

81- Hỏi: Thầy nói vậy, sao những vị niệm Phật công phu đắc lực vẫn còn bị những thứ bệnh tật, hoạn nạn hoành hành vậy?

Đáp: Nên hiểu rằng: Luật nhân quả là luật tự nhiên có từ muôn đời (trước khi Đức Phật hiện thế), có Phật hay không có Phật, luật nhân quả vẫn tồn tại khách quan. Đức Phật chỉ là người dạy chúng ta biết, chứ đức Phật không thể sửa đổi luật nhân quả được.

Có chăng, Ngài chỉ giúp chuyển hóa phần nào thôi. Ví dụ: nghiệp nặng chuyển thành nhẹ, nghiệp nhẹ chuyển thành không, chứ nghiệp nặng (định nghiệp) không thể chuyển thành không được. Đức Phật vạn năng nhưng không phải toàn năng. Đức Phật chỉ độ được người hữu duyên theo luật nhân quả. Nếu đức Phật toàn năng thì ngày giờ này, đâu có chúng sanh ngồi ở đây, mà chúng ta đã thành Phật hết rồi, phải không?

Hiểu như vậy là tự giải đáp câu hỏi trên. Hiểu như vậy mới là chánh tín, bằng không sẽ lạc vào mê tín.

Hành giả nào tin sâu nhân quả, tin sâu lòng đại từ đại bi cứu độ của chư Phật, chư Bồ-tát, quí vị này sẽ phó thác, giao cả sanh mạng này cho chư Phật, chư Bồ-tát an bài, quí Ngài vui vẻ chấp nhận mọi nghịch cảnh, an nhiên tự tại Lão thật niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.

82- Hỏi: Mấy hôm rồi, sau mười giờ đêm, trong lúc mọi người trong nhà ngủ hết, con đang tịnh tọa niệm Phật, bỗng dưng nghe tiếng lộp cộp khi lớn khi nhỏ ở trong nhà, có khi tiếng ấy phát ra từ ngoài cửa sổ, làm con mất chánh niệm. Lên giường nằm lắng lòng nghe tiếng niệm Phật củaTự tánh, con lại cũng nghe tiếng động như trước. Tình trạng này làm con niệm Phật không được và mất ngủ, nên con mệt nhọc, bơ phờ quá! Một vài bạn của con cũng bị như vậy. Vậy phải làm sao, thưa Thầy? 

Đáp: Oan gia trái chủ đấy! Nghiệp chướng, nghiệp báo đấy! Nghịch khảo đấy! Người tu công phu đắc lực thường bị (không hẳn là ai cũng bị, tùy theo túc nghiệp của mỗi người). Sự khảo đảo bao gồm sáu loại: nội khảo, ngoại khảo, thuận khảo, nghịch khảo, minh khảo, ám khảo. Hành giả phải nên biết điều này để sẵn sàng vượt qua.

Xin gợi ý vài cách đối trị như sau:

1-Sau mỗi thời khóa, hành giả nên hồi hướng công đức hành trì cho oan gia trái chủ để giải oan. 

2-Hãy quan niệm rằng: “Nợ thì phải trả, trả xong hết nợ” mới nhẹ gánh, dễ vãng sanh. Không nên lo sợ, buồn phiền trách móc ai cả.

3- Hãy nghĩ (quán chiếu) nó là giả, là không, thì không có gì phải lo sợ.

4-Nhiếp nhĩ căn (phớt lờ không để ý nghe nó nữa) một mực niệm Phật hoặc nghe danh hiệu Phật phát xuất từ Tự tánh.

Làm được như vậy, liên hữu mới có thể thành tựu Tịnh nghiệp, bằng không, những ngày qua liên hữu đã bại trận (gãy gánh giữa đường) rồi đấy!

Kính chúc liên hữu thành công như ý.

Ghi chú: Trong lúc sách đang dàn trang để in, có một cú điện thoại viễn liên báo tin: tình trạng trên (tiếng lộp cộp) không còn nữa, cô đang tiếp tục huân trưởng mức nhập tâm, một cách thoải mái.

Tôi thành kính chúc mừng, đồng thời tán thán ý chí, nghị lực và công đức hành trì của liên hữu!

Nam-mô A-di-đà Phật.

Trích Sách Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp

Thích Minh Tuệ

 

Viết một bình luận