Những Gương Đắc Thất Về Sự Trợ Niệm

 221.Những Gương Đắc Thất Về Sự Trợ Niệm

1. Sự tích cư sĩ Lưu Cảnh Liệt

Cư sĩ Lưu Cảnh Liệt, người tỉnh Giang Tây ở Trung Hoa, buổi thiếu thời có sang lưu học Nhựt Bản. Sau khi quang phục, ông từng làm nghị viên ở quốc hội và ty trưởng nhiệm chức phương ty. Anh của cư sĩ là Cảnh Hy, vốn hàng quan thân, từ lâu đã mến chuộng Phật học, nên đối với cửa đạo, cư sĩ cũng khẳng khái hộ trì. Ông đã làm nhiều điều công đức, như việc trùng tu ngôi Thọ Lượng cổ sát, xuất tư sản mua chuộc ruộng hương hỏa cho chùa, lại thỉnh Đại Xuân hòa thượng về trụ trì. Khi Đức Sum pháp sư đề xướng việc đúc pho tượng Quán Âm Đại Sĩ bằng đồng, cao hai mươi tám thước, cư sĩ cũng bôn tẩu góp quyên cho đến khi hoàn thành Phật sự.

Năm Dân Quốc 22, Cảnh Liệt nhân tỵ nạn chiến tranh đến Tô Châu, quy y với Ấn Quang đại sư, được pháp danh là Đức Thành. Từ đó ông giữ lục trai và chuyên tu tịnh nghiệp. Khi chưa vào đạo, Cảnh Liệt thích đánh cá, lưới chim, tạo nghiệp sát cũng nhiều. Do nhân ác đó về sau cư sĩ mang chứng ghẻ Đối Khẩu Sang rất nguy kịch, ngày đêm đau nhức rên la. Trong cảnh khổ, ông phát nguyện dứt trừ nghiệp ác, chuyên niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm bỗng nghe mùi hương lạ bay ngào ngạt, bịnh lần lần thuyên giảm.

Đến năm Dân Quốc 25, cư sĩ mới trở lại quê hương. Tuy lòng tin đã phát, nhưng vì việc đời việc đạo bận rộn quá nhiều, nên về phần thật hành, ông chưa được chuyên thuần, mỗi ngày chỉ tùy duyên niệm Phật chút ít mà thôi. Sang năm Dân Quốc 27, do nghiệp sát đời này và đời trước, cư sĩ lại phát sanh bịnh nặng. Lâu ngày triền miên trong cơn bịnh khổ, ông khó kham nhẫn, liền bảo con là Lưu Phát Trang xuất tiền gởi Đức Sum pháp sư nhờ cúng dường ngài Ấn Quang và làm các việc công đức để cầu mau tiêu tội. Pháp sư viết thơ trả lời khuyên cư sĩ nên trường trai, nhưng dây dưa mãi đến cuối năm ông mới thật hành được.

Qua năm Dân Quốc 28 bịnh thế của cư sĩ càng thêm nặng. Vợ con ông đều là đệ tử quy y của ngài Ấn Quang, đã biết sự khẩn yếu lúc lâm chung, vội thỉnh chư tăng ở chùa Thọ Lượng đến trợ niệm. Ngày mười chín tháng Giêng năm ấy, cư sĩ biết mình sẽ từ trần, bảo người nhà đem ghế đỡ ra trước sân ngồi để thay đổi thanh khí. Sau khi gọi anh em dặn dò hậu sự và bảo con là Phát Trang quì nghe di chúc xong, thần sắc ông bỗng đổi khác. Vợ con thấy thế liền đỡ vào nhà, đem tượng Di Đà tiếp dẫn đến để trước mặt cư sĩ, rồi cùng chư tăng lớn tiếng trợ niệm danh hiệu Phật. Đã vài tháng cư sĩ bị bịnh xuội hết một cánh tay trái, nhưng khi thấy tượng Phật, ông bỗng hoạt động được như thường, hai tay chắp lại, miệng niệm Phật, mặt lộ vẻ hớn hở vui mừng. Lúc đó, dường như ông không còn cảm thấy thống khổ, tùy theo mọi người niệm Phật giây lâu, rồi an lành thoát hóa.

Cư sĩ vãng sanh vào lúc được sáu mươi mốt tuổi. Mấy tháng ông bị bịnh khổ là do nghiệp sát sanh chuyển thành khinh báo trong hiện tại. Đến khi lâm chung nhờ sức trợ niệm nên hiện ra điềm tốt, có thể gọi là: các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh, xả báo an lành, như vào thiền định. Như thế sự vãng sanh Tây Phương đã chắc không còn nghi ngờ nữa. Lúc tang tế đãi khách, cả nhà tuân theo lời ngài Ấn Quang, dùng toàn đồ chay, ai nấy đều khen ngợi.

Sự việc cư sĩ được vãng sanh, tuy do căn lành đã thành thục, mà cũng nhờ sức trợ niệm lúc lâm chung. Vậy đối với điểm khẩn yếu rốt sau, chư liên hữu cần để tâm chú ý.

 

2. Sự tích nữ cư sĩ Đức Hoằng

Nữ cư sĩ Đức Hoằng, là vợ của một người họ Lý ở Dương Châu. Nhân vì chồng có vợ bé mà mình lại không sanh dục, cô khó nỗi yên thân nơi nhà, nên đến nương ngụ với kế mẫu là nữ cư sĩ Đinh Đức Nguyên. Bà Đức Nguyên cũng thương cô như con đẻ, đôi bên nương nhau tình thân thiết hai mươi năm như một ngày.

Đức Hoằng cư sĩ trường trai tu tịnh nghiệp, hôm sớm rất chuyên cần. Cô và kế mẫu vì nghĩ duyên đời phước bạc, quyến thuộc điêu linh, nên nương tựa nhau cùng làm bạn pháp trên đường đạo. Luận về sự tín hướng và công hạnh tu trì lúc bình nhựt, thì mỗi mỗi cô đều vượt xa hơn Lưu Cảnh Liệt cư sĩ. Chỉ tiếc vì túc nghiệp cuốn lôi, nhân duyên khiếm khuyết, nên cô hằng gặp cảnh chướng nạn không mấy lúc được yên thân.

Năm Dân Quốc 27, nhân thấy miền Vũ Hán sắp chìm trong cuộc chiến, hai mẹ con liền từ Hương Cảng đến thị xã Hộ tạm lánh nạn. Bấy giờ vì vật giá lên cao, mướn nhà rất khó, mà ở lâu nơi khách sạn tổn phí nhiều lại càng bất tiện. Duyên may nhờ Diệu Chân hòa thượng xót thương, mở một gian tịnh thất nơi chùa Thái Bình để cho mẹ con cô và ba người Phật tử tản cư nữa cùng ở.

Năm Dân Quốc 28, vào khoảng tháng ba, Đức Hoằng cư sĩ bỗng cảm chứng thương hàn. Dây dưa qua đến tháng Tư, thuốc thang đều vô hiệu. Bịnh thế mỗi ngày càng thêm nặng. Lúc ấy trong chùa Phật sự nhiều, phòng xá lại ít, nếu để chết tại đó thấy có điều bất tiện, nên bất đắc dĩ bà kế mẫu phải đưa cô vào y viện. Chương trình nơi đây đều theo cách thức Tây Phương, muốn được tự do trợ niệm trong lúc lâm chung, thật khó toàn vẹn. Đức Hoằng cư sĩ vào y viện được hai ba ngày, người biết Phật pháp không thể tới lui hộ trợ, nên buổi sáng ngày mười tám tháng Tư, cô mãn phần một cách hồ đồ trong y viện. Lúc ấy nữ cư sĩ được năm mươi mốt tuổi.

Như Đức Hoằng cư sĩ xác thực là người có tín tâm tu trì. Nếu khi lâm chung được sự trợ niệm đúng pháp, tất điềm lành tướng tốt vãng sanh không ở sau Lưu cư sĩ. Cũng bởi cơ duyên trở ngại, nên đời này cô không thọ dụng được công hạnh tu niệm lúc bình thời, chỉ gây nhân đắc độ về sau mà thôi. Việc xảy ra thật đáng tiếc cho cô, song cũng cho ta thấy sự trợ niệm lúc lâm chung quả là trọng yếu.

 

3. Sự tích cư sĩ Dương Liên Hàng

Cư sĩ Dương Liên Hàng, người thời Trung Hoa Dân Quốc, quê ở huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Ông nhà nghèo từ nhỏ theo nghề buôn bán, tánh lịch thiệp quán xuyến hơn người.

Năm Dân Quốc thứ mười một, Liên Hàng được biết người bạn cùng xóm là Đồng Giác Hàng tu tịnh nghiệp, trong lòng ưa thích hằng qua lại để nghe lời chỉ giáo. Sau đó, ông thọ quy giới làm hàng Phật tử tu tại gia. Phần văn học tuy cư sĩ còn yếu kém, song về nghĩa lý kinh Phật, sự giải ngộ lại hơn người. Tháng chín năm Quý Hợi, các bạn ở Liên Xã ước hẹn cùng nhau thệ nguyện phát lòng Bồ Đề, Liên Hàng cũng có dự trong cuộc lễ ấy.

Cuối mùa Xuân năm Giáp Tý, vì đau bịnh, cư sĩ lén phá giới sát sanh, nhân đó lần lần xa cách với các liên hữu. Đến tháng bảy, bịnh ông càng thêm nặng, bạn đồng tu đến thăm, ai cũng bảo rằng tất sẽ chết. Liên Hàng cũng xét biết mình khó sống, tự cảnh giác ăn năn việc đã làm. Đầu tháng tám, ông gượng đau đến trước bàn Phật, hết lòng phát lộ chí thành sám hối, nguyện giữ lại năm giới, thề không tái phạm. Từ đó cư sĩ buông bỏ muôn duyên, dứt trừ ái dục, một lòng thầm niệm hồng danh Phật, chờ đến lúc mạng chung. Các liên hữu biết công phu trì niệm của cư sĩ còn cạn, nên trước khi ông lâm chung sáu ngày, thỉnh người đến trợ niệm. Mấy hôm rốt sau, những bạn đồng tu cũng tự mình đến niệm Phật giúp duyên.

Cuộc trợ niệm khởi đầu từ ngày mười hai tháng tám. Qua ngày rằm, Liên Hàng bỗng tự cảm thấy thần khí thanh nhẹ tươi tỉnh. Đến ngày mười bảy, cư sĩ bảo trong giấc mơ thấy một vầng ánh sáng như năm sáu ngọn đèn điện chói lòa. Vào chiều tối, xem thần sắc ông cũng như thường, các liên hữu cho là chưa đến giờ, tiếp tục niệm Phật tới sang canh hai, rồi sắp sửa muốn ra về. Các vị ấy không ngờ rằng, lúc đó sự trợ niệm đã đến hồi tinh thuần đắc lc.

Liên Hàng nghe tiếng niệm Phật bỗng ngưng bặt, liền nói: “Tôi hãy còn chưa đến Tây Phương, mong nhờ chư liên hữu trợ niệm cho suốt đêm nay.” Chúng nghe lời nói có vẻ khác lạ, lại cao tiếng niệm Phật. Không đầy nửa giờ sau, cư sĩ bỗng cười bảo: “Tôi đã đến Tây Phương. Ôi! Ao thất bảo to rộng quá! Kìa! Hoa sen thật là đẹp! Ánh quang minh cũng sáng đẹp vô cùng!” Rồi ông lại dặn đại chúng cao tiếng trợ niệm đừng nghỉ. Từ trước Liên Hàng vẫn lặng lẽ nằm yên. Đến lúc bây giờ tay và đầu ông đều hoạt động, miệng liên tiếp nói to: “Ôi! Hoa sen thật tươi xinh! Ao báu thật sáng đẹp!” Lúc ấy mặt của cư sĩ tươi cười hớn hở, trông như người bất chợt có việc vui mừng vượt quá hy vọng. Như thế qua một giờ sau, ông trở lại lặng yên không nói, tay chân cũng không động, chỉ nằm ngửa mắt chăm chú nhìn tượng Phật trước giường. Kế tiếp đôi tròng lần lần lờ lạc, hơi thở cũng lần yếu mòn. Đến năm giờ sáng ngày mười tám, cư sĩ mới tắt hơi.

Đêm ấy liên hữu chỉ có bốn người, mà vừa thay phiên nhau lớn tiếng trợ niệm suốt đêm, vừa thỉnh thoảng lại xen đôi lời sách tấn. Như thế cứ tiếp tục niệm cho đến sau khi cư sĩ tắt hơi một giờ rưỡi, mới đổi phiên cho những vị khác vừa đến. Sự trợ niệm vẫn tiếp tục cho tới lúc thân thể kẻ mãn phần lạnh hẳn, người nhà đều bị ngăn không được khóc thương. Đến mười giờ trưa, một liên hữu thăm dò thử, thì các nơi khác đều lạnh, duy đảnh đầu còn nóng như nước sôi.

Trong kinh, có bài kệ nói:

Đảnh Thánh, mắt sanh trời.
Người tim, ngạ quỷ bụng.
Bàng sanh ra đầu gối.
Địa ngục lòng bàn chân.

Khi người chết các nơi khác đều lạnh, duy đảnh đầu nóng sau rốt, là kẻ ấy đã sanh về cõi Thánh, cõi Phật; mắt nóng sau rốt là sanh lên cõi trời; chỗ tim ngực nóng sau rốt là sanh lại cõi người. Còn nếu ở bụng thì kẻ đó sanh về cõi ngạ quỷ, ở đầu gối đầu thai vào loài bàng sanh; ở lòng bàn chân, tất đọa xuống địa ngục. Thần thức thoát ly từ nơi nào, thì chỗ đó nóng sau cùng. Cư sĩ đảnh đầu nóng sau rốt, chứng tỏ ông đã vãng sanh về Cực Lạc vậy.

Như Liên Hàng cư sĩ, giới phẩm không tròn, công hạnh tu trì lại còn non kém. Nhưng không được vãng sanh, xét ra toàn nhờ sức trợ niệm của các bạn đồng tu. Xem đây, ta thấy sự trợ niệm rất thiết yếu cho hành giả lúc lâm chung. Bấy giờ nhằm ngày 18 tháng bảy, năm Dân Quốc thứ 13 (1924), cư sĩ được ba mươi tuổi

Trich Sách Niệm Phật Thập Yếu.- HT Thien Tam

Thich Minh Tue

Viết một bình luận