Vấn Đáp Tịnh Độ 29

265.Vấn Đáp Tịnh Độ 29

1- Hỏi:Pháp niệm Phật cầu vãng sanh quá dễ tu, là con đường thẳng tắt vi diệu, thù thắng, viên đốn, mau chứng đắc như vậy, tại sao lắm người không tin, là thế nào, thưa Thầy?

Đáp: Trong Kinh A-di-đà, Đức Thế Tôn dạy: “Đây là pháp khó tin” (Nan tín chi pháp). Vì giáo lý quá cao sâu, Đẳng giác Bồ-tát cũng chỉ hiểu được một phần, chỉ chư Phật với chư Phật mới hiểu rõ hết.

Do vì không hiểu sự thù thắng của pháp môn, lại thấy sao tu quá dễ, mau chứng mau đắc quá, các vị đâm ra nghi ngờ, không tin. Các vị cao đức thường bảo: Những vị không tin vào sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ là do rơi vào một trong những trường hợp sau

  1. Thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên.
  2. Không có chủng tử Tịnh Độ, hoặc chủng tử còn quá yếu.
  3. Chủng tử khác, đã đến lúc chín mùi.
  4. Cố chấp, Bảo thủ (Kiến thủ kiến).
  5. cống cao, ngã mạn.
  6. Căn tánh hạ liệt.
  7. Tự ái,

+Pháp sư Tịnh Không nói: “A-xà-thế vương tử và năm trăm vị trưởng giả trong thời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Như Lai. Thiện căn lớn như vậy, thế mà sau khi được nghe đức Thế Tôn thuyết Kinh A-di-đà, quí vị này chỉ phát tâm sau này thành Phật giống như A-di-đà Phật mà thôi”.

+ Kinh đã nói rằng hành giả Tịnh Độ là những người đã từng cúng dường, phụng sự ngàn ức Như Lai, nhân thiện căn chín mùi mới được như vậy.

+Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư cũng đã nói: “Người niệm Phật, tức là người quý, người diệu hảo, người bậc thượng thượng, người hiếm có, người tối thắng trong loài người”.

+Pháp sư Tịnh Không đã từng nói: “Cư sĩ mà được vãng sanh, còn quí hơn Hòa thượng, phương trượng mà không được vãng sanh”.

Hiểu như vậy, quí vị phải trân quí thiện căn quí báu của mình, không thể bỏ luống qua đời này một cách oan uổng, mà phải chí tâm lão thật niệm Phật, quyết đời này vãng sanh Cực Lạc thành Phật, độ chúng sanh.

2- Hỏi: Kinh A-di-đà đã nói rõ: “Chẳng khá thế nào lấy chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh sang bên nước kia đâu!”. Do đó, cư sĩ tại gia chúng con niệm Phật vài chục năm, có đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên để vãng sanh, hay phải mấy chục năm khổ hạnh như quý Thầy mới có kỳ vọng? Kính xin Thầy giải thích.

Đáp: Không phải như vậy. Vì các lẽ sau:

  1. Nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên.

Kinh A-di-đà có nói: “Chẳng khá thế nào lấy chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh sang bên nước kia đâu!, nhưng rồi Phật còn nói câu kế tiếp như sau: “Xá lợi phất này! Nếu có thiện nam hay thiện nữ mà được nghe nói Phật A-di-đà, rồi nhớ ngay lấy danh hiệu của Ngài, niệm trong một ngày, hay là hai ngày, hay là ba ngày, hay là bốn ngày, hay là năm ngày, hay sáu ngày, hay bảy ngày, niệm kỳ cho thành nhất tâm không còn loạn tưởng, thì người ấy khi nào lâm chung, Phật A-di-đà và chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lúc chết, tâm không điên đảo, tức là được sinh sang nước Cực Lạc của Phật A-di-đà”.

Đoạn văn trước chỉ để mở đầu cho đoạn văn sau với nội dung quan trọng là niệm Phật cho đến “Nhất tâm không loạn”. Đây mới là điều kiện được vãng sanh.

Hơn nữa trong A-di-đà Kinh yếu giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Người tu có đủ tín, nguyện, hạnh thì mỗi tiếng niệm Phật là cái nhân nhiều thiện căn, và là cái duyên nhiều phước đức”. Quán Kinh nói: “Vì niệm danh hiệu Phật, mà trong mỗi một niệm, diệt trừ tám mươi ức kiếp trọng tội sinh tử”.

Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư cũng nói: “Niệm một câu A-di-đà Phật, thì hưởng được tám mươi ức kiếp công đức vi diệu”, chính là ý nghĩa này. Nếu niệm Phật mà thiện căn và phước đức không lớn, nhiều, thì làm gì diệt được nhiều tội và hưởng được nhiều phước đức như thế?

Trong Kinh A-di-đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật nói: Trước giờ phút lâm chung, người nào niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, thì được Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc. Vậy thì hành giả hằng ngày niệm danh hiệu Phật A-di-đà, mỗi câu là một nhân duyên để vãng sanh Cực Lạc rồi.

Niệm một câu thôi mà thiện căn, phước đức, nhân duyên nhiều như thế. Hành giả mỗi ngày niệm vài ngàn câu, sáu vạn đến mười hai vạn câu (người đạt Bất niệm tự niệm) mà suốt đời niệm như vậy thì thiện căn, phước đức, nhân duyên nhiều biết bao nhiêu, không sao kể xiết.

  1. Thế nào là thiện nam hay thiện nữ? Trong A-di-đà Kinh yếu giải, Ngẫu Ích đại sư nói: “Bất luận là hạng người nào, người xuất gia, người tại gia, người sang, người hèn, người trẻ, người trong sáu ngã: thiên, nhân, A-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, người trong bốn loại chúng sanh: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh… bất luận là hạng người nào, miễn là người ấy được nghe danh hiệu Phật A-di-đà, tức là cái quả “thiện căn” của người ấy trồng từ nhiều kiếp trước, nay đã thành, đã chín.
  2. Những người ấy dù có phạm tội ngũ nghịch, thập ác cũng đều được gọi là thiện”. Chứ không bắt buộc phải tu khổ hạnh, hoặc phải tu lâu ngày, hay tu gì khác cả!
  3. Về điều kiện vãng sanh, các Kinh ấn định như sau:

– Kinh A-di-đà: “Niệm Phật đến nhất tâm không loạn”.

– Kinh Vô Lượng Thọ: “Niệm Phật mười niệm”.

– Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Niệm Phật một niệm”.

– Kinh Pháp Cổ: “Chỉ cần khởi ý muốn vãng sanh là được Phật A-di-đà tiếp dẫn vãng sanh”.

Rõ ràng không có Kinh sách nào nói hành giả phải tu nhiều năm, hoặc phải tu khổ hạnh mới được vãng sanh Cực Lạc như vậy đâu! (Xin đọc sách Niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, phần III- Điều kiện vãng sanh).

Xin chớ có nghi ngờ mà gây chướng ngại vãng sanh. Hãy dõng mãnh, tinh tấn, Lão thật niệm Phật, hầu sớm thành tựu Tịnh nghiệp theo đúng sở nguyện.

Quyết Định Đời Này Vãng Sanh Cực Lạc, Thành Phật, Ðộ Chúng Sanh

“Muốn, thì Được”

3- Hỏi: Pháp niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm, có phải là ngoài pháp môn Tịnh Độ không, thưa Thầy?

Đáp: Niệm Phật được niệm lực tương tục (Bất niệm tự niệm) bảo đảm vãng sanh, là chủ trương của chư Tổ và cao Tăng Tịnh Độ, thì làm sao ngoài pháp môn Tịnh Độ được? Tôi xin chứng minh:

1-Bất niệm tự niệm.

a.Tổ thứ hai Tịnh Độ tông Thiện Đạo đại sư và Tổ thứ tám Tịnh Độ tông Liên Trì đại sư nói trong quyển “Đường về Cực Lạc” của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (trang 136-137).

b. Hòa Thượng Trí Tịnh nói trong “Kệ niệm Phật” (trang 15 và 25).

c.Hòa thượng Thích Thiền Tâm nói trong “Niệm Phật Thập Yếu” (trang 254)

d.Hòa thượng Quảng Khâm nói trong “Cẩm nang tu đạo” (trang 75) và trong “Lắng nghe tiếng hát sông Hằng” (trang 87).

e.Đại sư Diệu Không nói trong “Bốn mươi tám pháp niệm Phật” (Niệm Phật chỉ nam trang 115-116).

g.Đại sư Hám Sơn nói trong “Mộng Du Tập” (Niệm Phật chỉ nam trang 63).

h.Ngài Tịnh Sĩ nói trong “Con đường Tây Phương” (trang 32-33).

2- Vô niệm mà niệm.(Bước sau cùng của Bất niệm tự niệm)

Tổ thứ mười ba Ấn Quang đại sư nói trong “Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục” (trang 177-178).

Tôi vững tin lời dạy của chư Tổ, cao Tăng thạc đức Tịnh Độ không bao giờ sai cả.

4- Hỏi: Bất niệm tự niệm, nó niệm hoài, mình muốn ngưng, nó không ngưng. Mình là chủ, điều khiển không được nó, nó là tớ mà tự tung tự tác như vậy, nó quậy mãi, sẽ làm hư mình, phải vậy không, thưa Thầy?

Đáp:

1- Tịnh độ tông không có dùng từ”chủ, tớ” “chỉ có Thiền tông dùng từ “chủ, khách”. Chủ là bản lai diện mục, khách (tớ) là lục trần (ở đây là lục căn). Bản lai diện mục mà Thiền tông nói, chính là Phật tánh (tự tánh) của Tịnh Độ tông. Bất niệm tự niệm là tự tánh tự niệm, nói theo Thiền tông là chủ niệm, chứ không phải là tớ niệm! (Nội dung câu hỏi đã có sự lộn lạo rồi).

Mình muốn nó ngưng”, “mình” ở đây là gì? Là ý thức phải không? Ý thức là căn, sao gọi là chủ được? (Đây là sự nhầm lẫn thứ hai). Cả hai ý này đều hai lần lộn lạo, cho nên lập luận trong câu hỏi trên hoàn toàn không đúng.

2- “Nó quậy mãi, sẽ làm hư mình”.

Không phải vậy. Trái lại, “Nó” giúp ta mau thành Phật. Tôi xin chứng minh

Hòa thượng Tuyên Hóa, Tổ sư Thiền có nói:

“Bạn niệm một tiếng Phật thì trong tâm bạn có một vị Phật, bạn niệm mười tiếng Phật thì có mười vị Phật, niệm trăm tiếng, ngàn tiếng, vạn tiếng, niệm càng nhiều càng nhanh thành Phật.

Niệm Phật chính là trở về với Phật, trở về với tâm của chính mình. Niệm Phật chính là hòa Phật và mình làm một. Bạn niệm Phật thì Phật niệm lại bạn, kết quả ngay lúc đó bạn là Phật rồi.

– Trong A-di-đà Kinh Yếu Giải, Liên tông Cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư nói: “A-di-đà Phật là một danh hiệu lớn lao, gồm có vạn công đức. Niệm danh hiệu ấy để dời công đức đến với mình, thì công đức nào cũng phải đến hết”.

Tổ còn nói:“Mỗi tiếng niệm Phật của mình, tiếng nào mình cũng đã là Phật rồi”.

Đối với những liên hữu đã đạt Bất niệm tự niệm, tự cảm nhận được an lạc, thanh thoát, hiểu rõ sự vi diệu của pháp tu, thì mới nhận thức rõ công đức bất khả tư nghì của Thánh hiệu A-di-đà.

Ngưỡng mong quí vị dõng mãnh, tinh tấn tiến tu để sớm đạt thành sở nguyện.

Nam-mô A-di-đà Phật.

5- Hỏi: Niệm Phật phải niệm ra tiếng, niệm thầm là tà niệm, có phải vậy không, thưa Thầy?

Đáp: Pháp niệm Phật, niệm thầm không ra tiếng đã được chư Tổ Tịnh độ đề xướng. Đến thời hiện đại, cách niệm này lại được chư đại sư thạc đức Tịnh Độ đồng khuyến khích hành giả. Việc này được minh chứng qua các sách như sau:

– Lời khế cơ (Pháp sư Tịnh Không).

– Cẩm Nang Tu Đạo (Hòa thượng Quảng Khâm).

– Niệm Phật Thập Yếu (Hòa thuợng Thích Thiền Tâm).

– Pháp Môn Dễ Tu, Dễ Chứng, Hợp Thời Cơ (Hòa thượng Thích Trường Lạc).

– Pháp môn Tịnh Độ Thù thắng (Hòa thượng Thích Hân Hiền).

– Bốn mươi tám pháp niệm Phật (Hòa thượng Thích Tịnh Lạc).

– Tuyết Hư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập (Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam).

– Con đườngTây Phương (Tịnh Sĩ).

…v…v…

Chư Tổ, chư đại sư thạc đức Tịnh Độ đồng dạy niệm thầm, thì không thể nói niệm thầm là tà niệm được.

Vả lại nên biết rằng người xưa nói: “Chánh nhân nói tà pháp, tà pháp thành chánh pháp. Tà nhân nói chánh pháp, chánh pháp thành tà pháp”. Vậy thì chánh, tà không ở nơi pháp mà là do con người. Các pháp luôn luôn bình đẳng, như như bất động, là vậy (như thị), không chánh không tà. Chánh tà là do vọng tâm phân biệt của chúng sanh điên đảo mà ra.

Tóm lại, nếu chúng ta chân chánh hành trì, thì niệm thầm hay niệm cách nào khác cũng đều là chánh niệm cả.

Trích Sách Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp

Thích Minh Tuệ

 

Viết một bình luận