Vạn Thiện Đồng Quy TT

271.Vạn Thiện Đồng Quy TT

Liên Tông Lục Tổ Vĩnh  Minh Thiền sư Giải Đáp

11-Hỏi:

Vào pháp lấy vô đắc làm cửa, đến đạo do vô vi dẫn đường. Nếu làm mọi việc lành, sinh khởi tâm hữu đắc thì một là trái với Chánh tông , hai là tổn đến hạnh chân thật?

Đáp:

Vì vô đắc thì không có gì mà không được. Vì vô vi nên không có gì mà không làm. Vô vi há lại ở ngoài mọi việc làm, vô đắc đâu vượt ra những chỗ đắc.

Đắc và vô đắc đã chẳng phải khác nhau hoàn toàn; vi và vô vi cũng

chẳng đồng nhau. Chẳng khác chẳng đồng, ai bảo rằng một hay hai. Đã đồng đã khác, chẳng ngại thiên sai vạn biệt.

Nếu không rõ hai môn đồng và khác thì rơi vào hai lối chấp đoạn và

thường.

Do đó phẩm Ly Thế Gian trong kinh Hoa Nghiêm nói:

Biết tất cả pháp vô tướng là tướng, tướng là vô tướng; vô phân biệt là phân biệt, phân biệt là vô phân biệt; chẳng phải có là có, có là chẳng phải có; không làm là làm, làm là không làm; chẳng nói là nói, nói là chẳng nói, chẳng thể nghĩ bàn.

Biết tâm với Bồ đề bình đẳng. Biết Bồ đề với tâm bình đẳng. Tâm và Bồ đề cùng chúng sanh bình đẳng; cũng không sanh tâm điên đảo, tưởng điên đảo, khiến điên đảo, chẳng thể nghĩ bàn.

Ở trong mỗi niệm vào Diệt tận định, hết tất cả lậu hoặc mà không chứng nhập Thật tế, cũng không hết thiện căn hữu lậu. Tuy tất cả pháp vô lậu mà biết lậu tận, cũng biết lậu diệt.

Tuy biết pháp Phật là pháp thế gian, pháp thế gian là pháp Phật, mà không ở trong pháp Phật phân biệt pháp thế gian, không ở trong pháp thế gian phân biệt pháp Phật.

Vì tất cả các pháp đều vào pháp giới, không có chỗ nào để vào. Biết tất cả pháp đều không hai, không biến đổi chẳng thể nghĩ bàn.

12-Hỏi:

Tất cả chúng sanh không được giải thoát, đều do nhận giả danh, đuổi theo vọng mà bị luân hồi. Trong kinh Lăng Nghiêm chỉ dạy khiến cho chúng sanh dừng lặng tâm sanh diệt hư vọng, trở về tánh giác, đạt được tánh không sanh diệt giác ngộ sáng suốt. Vì tâm làm nhân tu hành, sau đó mới thành tựu trọn vẹn quả tu chứng.

Tại sao ở đây một mực đi theo giả danh, bàn về những việc lành do tâm tán loạn tu tập? Như thế càng tăng thêm hư vọng, đâu lợi ích cho người mới phát tâm.

Đáp:

Danh tự tánh không đều là Thật tướng, chỉ từ duyên khởi chẳng rơi vào Có và không.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật bảo Bồ Tát Bảo Minh rằng:

Ông hãy quán xét tên gọi của Phật, nếu là có thì nói về tên thức ăn cho người đáng lẽ họ phải được no bụng. Nếu danh tự là không thì Như Lai Định Quang chẳng thọ ký cho ta, cho đến tên của ông.

Nếu như không thọ ký thì ta không được thành Phật. Nên biết danh tự từ lâu đã là Như, do ta Như nên hiển bày đầy đủ các pháp. Tánh chất của danh tự rỗng không chẳng ở nơi Có và Không”.

Kinh Hoa Nghiêm nói:

“Ví như các pháp chẳng phân biệt tự tánh, chẳng phân biệt âm thanh mà tự tánh không bỏ mất, tên gọi không tiêu diệt. Bồ Tát cũng như vậy, không bỏ việc làm, tùy theo mọi việc làm của thế gian mà ở hai nơi điều ấy không có chấp trước”.

Thế nên không động bờ mé chân thật, kiến lập mọi pháp môn tu hành; chẳng hủy hoại giả danh, thông suốt tự tánh một cách trọn vẹn.

13-Hỏi:

Tại sao chẳng mặc tình tự tại vô tâm hợp với đạo, cần gì quan tâm đến việc thực hành vạn hạnh dấy động tâm tư?

Đáp:

Bậc Cao đức ngày xưa cho rằng, có ba con đường đạt đến quả Phật:

  1. Lìa ngôn ngữ, dứt hành vi, chỉ riêng tỏ rõ quả Vô tác Pháp thân.
  2. Từ nơi hạnh dần tu tập, viên mãn quả vị trong ba A tăng kỳ.
  3. Từ lý trí ban đầu đạt đến quả viên dung tự tại.

Đó là người có căn cơ bậc thượng tu chứng viên mãn. Tuy trong một niệm nhanh chóng đầy đủ nhưng chẳng ngại thực hành vạn hạnh. Tuy thực hành vạn hạnh mà chẳng lìa một niệm.

Nếu nói về chỗ quên tình thầm khế hợp thì cũng đều là một con đường thành Phật. Mau hay chậm do bởi căn cơ, còn pháp không có sau trước.

14-Hỏi:

Chạm mắt là Bồ đề, cất bước đều là đạo. Cần gì thiết lập đạo tràng sự tướng nào khác, chỉ nhọc nhằn thân tâm, lẽ nào lại phù hợp với ý chỉ nhiệm mầu?

Đáp:

Có hai loại đạo tràng:

  1. Đạo tràng Lý.
  2. Đạo tràng Sự.

Đạo tràng Lý cùng khắp vô số cõi nước. Đạo tràng Sự tức chỉ cho chỗ thanh tịnh trang nghiêm.

Song, nhân Sự mà hiển bày Lý, nhờ Lý mà thành tựu Sự. Sự tuy giả dối nhưng lại chứa đựng Lý, chẳng có Sự nào mà không có Lý, Lý tuy chân thật nhưng ứng theo duyên nên chẳng có Lý nào ngại Sự. Thế nên, ngay nơi Sự mà muốn tỏ rõ Lý thì cần có sự trang nghiêm. Thung dung vào nơi chân thật, chỉ nhờ vào việc kiến lập nơi sự tướng. Đó là cội gốc của sự qui kính, tạo nên môn sách tấn tu hành, thấy tướng mà tâm được trang nghiêm, mình và người đều lợi ích.

Trong Ma Ha Chỉ Quán nói:

“Người mới phát tâm tu theo Viên Giáo, Lý và Quán tuy vững chắc nhưng chưa thành tựu Pháp Nhẫn, phải nên ở nơi thanh tịnh kiến lập đạo tràng trang nghiêm, ngày đêm sáu thời thực hành năm phương pháp sám hối, nhằm sám hối tội lỗi của sáu căn.

Vào Quán hạnh thì đồng thời xem trọng trí tuệ và giới luật. Sự-Lý không tỳ vết ,được oai thần của chư Phật gia hộ, trí tuệ chân thật nhanh chóng hiển phát, một đời có thể bước lên tiến thẳng đến Sơ trụ”.

Trong Thượng Đô Nghi nói:

Người nương về với Tam Bảo phải chỉ phương, lập tướng, trụ tâm giữ cảnh, chẳng cần phải rõ vô tướng lìa niệm”.

Đức Phật đối với phàm phu đã biết trước, dạy họ buộc niệm còn không được huống gì lìa tướng. Giống như những kẻ không có pháp thuật thần thông mà muốn xây dựng lâu đài trong hư không, sao có thể làm được?

Nương nơi hình tượng Phật để làm đối tượng, thực hành ba pháp quán điều đó ắt là được không nghi”.

Đức Phật từng nói:

Sau khi ta diệt độ, người có thể quán tưởng hình tượng ta thì không có khác biệt gì với thân ta cả”.

Luận Đại Trí Độ nói:

“Bồ Tát đối với ba việc không chán nản:

  1. Cúng dường chư Phật không chán nản.
  2. Nghe pháp không chán nản.
  3. Cúng dường chư Tăng không chán nản”.

15-Đại Sư Trí Giả ở Thiên Thai hỏi:

“Ở thế gian có người tu hành pháp Không, chấp vào cái Không ngu si chẳng phù hợp với kinh điển. Nghe nói về pháp Quán tâm này bèn vấn nạn rằng:

Nếu Quán tâm là Pháp thân bình đẳng thì mọi vật đều bình đẳng. Tại sao đối với kinh, tượng lại cung kính, đối với giấy và gỗ lại xem thường?

Nếu cung kính và xem thường đã chẳng phải là bình đẳng, vì chẳng phải là bình đẳng nên ý nghĩa Pháp thân không thể thành lập được”.

Đáp: “Do chúng ta ở trong địa vị phàm phu nên quán xét trên hình tướng như thế.

Vì muốn mở bày Thật tướng ấy nên cung kính Kinh điển, tượng Phật, khiến cho trí tuệ không bị ràng buộc; làm cho vô số người tôn sùng việc lành, trừ bỏ điều ác,khiến cho phương tiện chẳng bị ràng buộc”.

Như thế lẽ nào lại đồng với cái nhìn sai lầm của ông hay sao?

Cho đến mở nhiều pháp hội, kiến lập đạo tràng nghi thức, kiết ấn trì chú, trang nghiêm mọi việc thù thắng bèn được chứng nghiệm ngay nơi đạo tràng, oai thần của chư Phật gia bị. Những việc đó đều do lòng từ bi của Thế Tôn khai thị pháp tắc chánh yếu.

* Hoặc có người thấy hương hoa, hình tướng tốt đẹp mà giới đức được thanh tịnh thêm.

* Hoặc có người thấy thân tướng của Bồ Tát Phổ Hiền mà cội nguồn tội lỗi thảy đều trong sạch.

Do các pháp sự trọn vẹn đầy đủ nên đạo Phật trải qua thời gian lâu dài vẫn được hưng thịnh. Từ sự biểu hiện cảm thông qua lại ấy mà mọi người trở về nương tựa có chỗ y cứ.

Thế nên, cần phải tuân theo lời dạy bảo của các bậc Thánh Hiền thuở xưa, y theo kinh điển thực hành, không thể dựa vào sự suy đoán sai lầm của riêng mình, hủy hoại công đức và việc lành, phải bị rơi vào đường tà. Bác bỏ Có lại vướng vào Không, gieo mình vào lưới tà một cách oan uổng.

16-Hỏi:

King Kim Cang Bát Nhã nói:

“Nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”.

Tại sao lại thiết lập, nêu bày hình tướng mà gọi là Phật sự?

Đáp:

Ngừng dứt mọi duyên sự, đó là tông Phá tướng. Luận thẳng hiển bày Lý thể tức là Đại thừa Thỉ giáo. Giáo pháp này chưa viên dung giữa Có và Không, chưa thấu suốt giữa Thể và Dụng.

Nếu từ môn viên dung vô ngại, tánh tướng dung thông thì đưa một hạt bụi lên là bao trùm pháp giới.

Kinh Hoa nghiêm nói:

“Môn từ bi thanh tịnh nhiều như vi trần cõi nước, cùng phát sinh một tướng vi diệu của Như Lai, các tướng khác đều như thế. Thế nên, người thấy Phật không chán nản”.

Kinh Pháp Hoa nói:

“Ông chứng đắc các Pháp Phật như Nhất thiết trí, Thập lực, đầy đủ ba mươi hai tướng, cho đến chân thật diệt độ”.

Kinh Đại Niết Bàn nói:

“Chẳng phải sắc tức là sự giải thoát của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Sắc tức là sự giải thoát của chư Phật Như Lai”.

Lẽ nào lại đồng với phàm phu chấp trước vào cảnh vật cho là sắc thật? Nhị thừa thiên lệch chứng đắc chỗ đoạn dứt mà cho là chân thật.

Thế nên, hàng Đại Bồ Tát ở nơi sáu trần đều thấy Như Lai, nhìn vạn vật bình đẳng, soi sáng trọn vẹn cả pháp giới. Lẽ nào lại đợi đến tiêu diệt hình bóng rồi mới trở thành huyền diệu hay sao?

Con Tiep

Trích Vạn Thiện Đồng Quy- LTL Tổ Vĩnh Minh Thiền sư

Thích Minh Tuệ

Viết một bình luận