Vấn Đáp Tịnh Độ 30

272.Vấn Đáp Tịnh Độ 30

6.Hỏi: Xe không người lái mà xe tự chạy là xe bất bình thường. Người không niệm mà nó tự niệm là người điên, phải vậy không, thưa Thầy?

Đáp:

1- Xe không người lái mà xe tự chạy là xe bất bình thường.

Không phải vậy! Tôi xin đưa ra những thí dụ sau:

  1. Thuở xưa, cụ Phan Thanh Giản công du Pháp quốc về, tâu lên vua Tự Đức rằng ở Pháp đèn không dầu mà cháy, xe không ngựa kéo mà chạy.
  2. Ngày nay có phải:

– Máy bay không người lái mà bay thám thính ở các nước xa xôi?

– Tàu ngầm (xe lửa chạy dưới mặt đất như métro) không người lái mà vẫn đưa rước hành khách từ trạm này đến trạm khác?

– Bom không người hướng dẫn mà tự động lao vào mục tiêu?

– Máy truyền hình và máy thu thanh không người mở máy mà tự hát, tự tắt?

– Cửa chợ, cửa tiệm ăn không có người mở, đóng, nhưng khi mình đến nó tự mở ra, mình qua khỏi, nó tự đóng lại?

– Vòi nước mình không mở mà nó chảy cho mình rửa tay, rửa mặt, xong mình không tắt mà nó tự ngưng chảy?

– Đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường không ai mở, tắt thế mà nó có thể tự mở, tắt (mở đèn xanh, tắt đèn đỏ) điều hành lưu thông một cách nhịp nhàng?.

Vân vân và vân vân… (kể sao cho xiết những chuyện như vậy!).

Những việc kể trên đều là sự thật mà vua Tự Đức, các đại thần trong triều đình cùng bần cố nông ở vùng biên địa vẫn không tin, đó là ý riêng của họ.

Thật tình mà nói, những chữ “không” nói trên, chẳng phải là không ngơ, mà là có một cách tinh vi, nhưng vì ta thiếu sự nhạy bén nên không biết đó thôi!

2- Người không niệm mà nó tự niệm là người điên.

Không phải vậy, tôi xin chứng minh:

Bất niệm tự niệm hay vô niệm mà niệm là kết quả công phu đắc lực của hành giả Tịnh nghiệp, trường kỳ hành trì đúng sự chỉ dạy của Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư, Bát Tổ Liên Trì đại sư, Thập tam Tổ Ấn Quang đại sư, Quảng Khâm đại sư, Hám Sơn đại sư, Diệu Không đại sư, Đại lão Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiền Tâm… Như vậy, sao nói là người điên được chứ? (Xin đọc câu đáp 3C ghi trên).

Bản thân tôi đạt Bất niệm tự niệm hơn sáu năm qua, và hằng trăm vị khác nhập Bất niệm tự niệm trước và sau tôi, đến giờ này chúng tôi cảm nhận mình ngày càng an lạc, thanh thoát, sáng suốt hơn. Vậy thì, không có thể nói là điên được!

Tóm lại, không phải vậy, quan niệm hỏi trên hoàn toàn không đúng.

7- Hỏi: Những người đạt Bất niệm tự niệm, niệm đó là ma nhập, ma dựa, ma niệm chứ không phải mình niệm. Điều này có phải không, thưa Thầy?

Đáp: Người hỏi câu này là người chưa đạt đến Bất niệm tự niệm. Nếu đã đạt thì tự biết rồi, còn hỏi làm chi? Hoặc người này hỏi thay người chưa đạt Bất niệm tự niệm để mong làm sáng tỏ vấn đề chăng?

Thông thường người bị ma dựa, ma nhập, tinh thần bất bình thường, vui buồn lẫn lộn không chừng, nóng nảy, cộc cằn, thô lỗ, u mê, đôi khi mất cả nhân tính.

Riêng tôi từ khi đạt đến bước Bất niệm tự niệm tới giờ, tôi cảm nhận được là thân tâm tôi an lạc, thanh thoát, sáng suốt hơn bao giờ hết. Nếu nói rõ hơn, hóa ra tôi lại khoe khoang, thì không tốt, xin chỉ vắn tắt vậy thôi! Thế nên tôi cả quyết với quí vị là tôi không bị ma dựa, ma nhập. Những vị đã đạt Bất niệm tự niệm chắc chắn đồng có cảm nhận và suy nghĩ như tôi.

Kính xin quí vị hãy an tâm, tinh tấn dõng mãnh huân trưởng mức Nhập tâm, mức Bất niệm tự niệm sâu, để tiến đến Nhất tâm bất loạn.

8- Hỏi: Mình không niệm mà nó niệm suốt ngày đêm, vậy là tẩu hỏa nhập ma rồi. Như vậy có đúng không, thưa Thầy?

Đáp: Người tu Thiền có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”. Tôi chưa từng thấy, chưa từng nghe người tu niệm Phật nào bị tẩu hỏa nhập ma cả. Trên lý thì tuyệt đối không, vì những lẽ sau:

1- Người xưa nói: “Trong nhà có tiểu nhân, ngoài cửa tiểu nhân đến. Trong nhà có quân tử, ngoài cửa quân tử đến (ý nói chiêu cảm)”.

2- Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị:

“Trong tâm có ma, người sợ ma. Trong tâm không có ma, thì ma sợ người”.

Hòa thượng còn nói: “Bạn niệm một tiếng Phật thì trong tâm bạn có một vị Phật, bạn niệm mười tiếng Phật thì có mười vị Phật, niệm trăm tiếng, ngàn tiếng, vạn tiếng, niệm càng nhiều, càng nhanh thành Phật.

Niệm Phật chính là trở về với Phật, trở về với tâm của chính mình. Niệm Phật chính là hòa Phật và mình làm một. Bạn niệm Phật thì Phật niệm lại bạn, kết quả ngay lúc đó bạn là Phật rồi”.

3- Trong A-di-đà Kinh yếu giải, Liên tông Cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư nói: “Mỗi tiếng niệm Phật của mình, tiếng nào mình cũng đã là Phật rồi”.

4- Kinh nói: Khi ta phát ra tiếng niệm Phật, hào quang Phật chiếu ra xa bốn mươi dặm, ma phải tránh xa.

5- Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư, khi niệm một câu Phật hiệu, từ miệng phóng ra một luồng hào quang.

6- Ngũ Tổ Thiếu Khang đại sư, khi niệm một câu Phật hiệu, từ miệng Ngài phóng ra một hóa Phật.

7- Kinh Thập Vãng Sanh A-di-đà Phật Quốc nói: “Nếu có người niệm A- di-đà Phật, thì Phật A-di-đà sai hai mươi lăm vị Bồ- tát trong đó có Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền Bồ-tát… ủng hộ hành giả, dù đi, đứng, nằm hay ngồi, dù ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy nơi chẳng cho ác quỷ, ác thần được thừa dịp làm hại”.

8- Kinh Xưng Tán Tịnh độ Phật Nhiếp Thọ nói: “Người niệm Phật được vô số chư Phật trong mười phương hộ niệm”.

9- Bát-chu Tam-muội Kinh nói: “Người niệm Phật một ngày một vạn (10.000) câu trở lên, được Đức Phật A-di-đà và chư Thánh chúng Cực Lạc thường đến hộ niệm”.

Dựa trên chín điều minh chứng nêu trên, thì làm gì có chuyện người niệm Phật bị ma dựa, ma nhập hay tẩu hỏa nhập ma?

9- Hỏi: Bạch thầy, Pháp Bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh, ý trì là một pháp tu mới mẻ, do vài thầy mới đặt ra mấy năm nay thôi. Có phải vậy không?

Đáp: Từ “mấy năm” này, quá tối nghĩa, ý của bạn có phải là năm, ba năm không? Dù sao tôi cũng xin góp ý để làm sáng tỏ vấn đề:

1- Nhóm từ “Niệm lực tương tục” là do Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư (613-682) và Bát Tổ Vân Thê (Liên Trì) đại sư (1535-1618) đề cập đến (Đường Về Cực Lạc, trang 136-137- Hòa thượng Thích Trí Tịnh, xuất bản năm 1995).

2- Nhóm từ “Bất niệm tự niệm” được Hòa thượng Thích Trí Tịnh giảng tại chùa Vạn Đức năm 1956 (Kệ niệm Phật, trang 15-25); Hòa thượng Thích Thiền Tâm viết trong Niệm Phật thập yếu, trang 254, xuất bản năm 1991; Liên Tông Cửu Tổ Ngẩu Ích đại sư (1599-1655) đề cập đến (Đường Về Cực Lạc, trang 190- Hòa thượng Thích Trí Tịnh, xuất bản năm 1995).

3– Pháp ý trì được lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam viết trong quyển “Tuyết Hư lão nhân Tịnh-độ tuyển tập” trang 71, xuất bản năm 2004.

Tóm lại:

– Nhóm từ “Niệm lực tương tục” đã có từ thế kỷ thứ VII (7) đến nay được mười bốn (14) thế kỷ qua, tức 1400 năm rồi.

– Nhóm từ “Bất niệm tự niệm” có từ năm 1956 đến nay được năm mươi lăm (55) năm rồi.

– Pháp ý trì được biết từ năm 2004, tính ra trên bảy năm rồi (đây là căn cứ vào ngày sách được xuất bản, chứ thực ra, không rõ nó có tự bao giờ).

Sở dĩ tôi trình bày rõ ràng như trên, để chứng minh rằng pháp ý trì đạt Bất niệm tự niệm, bảo đảm vãng sanh mà tôi đang hành trì. Đồng thời góp ý để quí vị đồng tu đã và đang hạ thủ công phu có kết quả tốt, không phải do tôi mới sáng tạo, mà chỉ là thực hành lời chỉ dạy (y giáo phụng hành) từ xưa của chư Tổ, chư cao Tăng, thạc đức Tịnh Độ mà thôi.

Nam-mô A-di-đà Phật.

10- Hỏi: Kính bạch Thầy, con niệm Phật lâu rồi, sao vẫn chưa thấy Phật quang?

Đáp: Nhân nào quả nấy, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Trồng dưa mà muốn được đậu, hay ngược lại trồng đậu mà muốn được dưa, làm gì có việc trái ngược như vậy, phải không?

Cũng vậy, người tu quán, kết quả sẽ thấy hình tướng hay hào quang của Phật. Người tu xưng danh, thì sẽ nghe danh hiệu Phật, mới hợp lý nhân quả phải không? Liên hữu trì danh hiệu Phật, đạt Bất niệm tự niệm rồi, suốt ngày nghe danh hiệu Phật là quá quí rồi, còn mong muốn thấy Phật quang để làm gì? Không có việc trái ngược như vậy!

Trích Sách Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp

Thích Minh  Tuệ

 

 

 

Viết một bình luận