Niệm Phật Một Môn Thâm Nhập (TT)

24.PHẦN III – TAM TÂM GỒM THÂU VỀ THÂM TÂM

  • Tam tâm gồm thâu về thâm tâm

Kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói đến tam tâm, đó là chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. Đây dường như có tam tâm, mỗi tâm mỗi khác, nhưng tam tâm này thảy đều gồm thâu vào trong thâm tâm, khi nói thâm tâm là đã đầy đủ tam tâm rồi.

II- Chí thành tâm–tâm bên trong và bên ngoài phải thống nhất nhau

Đầu tiên nói về ‘chí thành tâm’, Đại sư Thiện Đạo nói: “Chí là chân, thành là thật”, cho nên chí thành tâm là tâm chân thật.

Sao gọi là tâm chân thật? Nghĩa là nói trong tâm của chúng ta chân thật tin nhận sự cứu độ của Phật A-di-đà; miệng chúng ta xưng niệm một câu danh hiệu Phật, cũng là xuất phát từ nội tâm chân thật mà xưng danh, chẳng phải thể hiện bên ngoài để cho người khác xem.

Nếu bề ngoài ra vẻ cho người khác biết ta đang niệm Phật, ta đang tin Phật, ta muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, mà trong lòng ta không thực sự tin Phật A-di-đà, không muốn cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc, vậy thì chẳng phải chân thật.

Vì thế, tin Phật, niệm Phật, tin tưởng có Cực Lạc, có Phật A-di-đà, tất cả niềm tin này đều phát xuất từ nội tâm, nội ngoại nhất trí như thế thì mới là chân thật.

III- Thâm tâm–tâm tin tưởng sâu sắc

Đại sư Thiện Đạo giải thích ‘thâm tâm’ là tâm tin sâu.

  1. Thâm tín về cơ và pháp

Thâm tín cái gì?

Thứ nhất là tín cơ: Tin chắc một điều rằng mình là phàm phu tội ác sâu nặng, có tâm tu hành, nhưng không đủ lực tu hành, chẳng những đời này kiếp này không đủ sức giải thoát, mà đến tận cùng những đời vị lai cũng không thể nào giải thoát, chẳng có duyên xuất ly sanh tử.

Chúng ta là hạng chúng sanh như thế, mỗi khi nghĩ đến thì quả thật là muốn nằm xuống đất mà gào to khóc lớn. Bởi vì không có duyên xuất ly, nếu không có duyên xuất ly thì có phải đời đời kiếp kiếp chúng ta đều phải chịu luân hồi mãi trong thế giới Ta-bà này?

Thân người khó được, há chẳng phải một phen mất thân người rồi thì muôn kiếp nghìn đời đều rơi vào ba đường ác sao? Khi nghĩ đến điều này, nỗi sợ hãi khôn tả ấy xâm nhập vào lòng chúng ta, chắc chắn như thế! Phải tin sâu điều này, đó là tin sâu chúng ta là phàm phu tội ác trong sanh tử.

(Đại sư Thiện Đạo nói đến tin sâu ‘cơ’, chữ ‘cơ’ trong danh từ tôn giáo tức là chỉ cho căn tánh, căn cơ của chúng ta).

Thứ nhì là thâm tín pháp. Pháp chính là sự cứu độ của Phật A-di-đà, trong nguyện thứ 18, Đức Phật A-di-đà có nói: “Những ai xưng niệm danh hiệu của Tôi cho đến mười niệm, chắc chắn Tôi đều khiến họ vãng sanh thế giới Cực Lạc; những ai xưng danh hiệu Tôi mà không thể vãng sanh, thì Tôi sẽ không thành Phật”. Nương tựa vào bản nguyện của Phật A-di-đà, chắc chắn có thể vãng sanh, đây chính là thâm tín pháp.

Đoạn trước nói về thâm tín ‘cơ’, cơ là nói phàm phu tội ác sâu nặng trong sanh tử, không có duyên xuất ly, các chúng sanh này có thể là chúng sanh ngũ nghịch, thập ác, báng pháp, phạm bốn giới trọng, xiển-đề. Nếu không phải hạng chúng sanh này, thì có duyên xuất ly.

Còn những hạng chúng sanh không thể xuất ly như ngũ nghịch, thập ác, báng pháp, phạm bốn giới trọng, xiển-đề, thì bất kể họ đối với bản nguyện của Phật A-di-đà hiểu sâu hay hiểu cạn, chỉ cần họ xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, thì chắc chắn có thể vãng sanh. Đây gọi là thâm tín cơ và pháp.

  1. Hai thứ thâm tín gom vào nhất hướng chuyên niệm

Với những điều vừa nói, và việc Phật Thích-ca-mâu-ni phó chúc A-nan tôn giả lưu thông ‘trì danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ’, cùng với những điều mà Đại sư Thiện Đạo giải thích về ‘Nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật A-di-đà’ tất cả đều không nói đến việc chúng sinh tin hay không tin, mà chỉ nói ‘nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật A-di-đà’, đâu có nói là bạn tin hay nghi; đã xưng danh rồi, thì dù là tin có sâu cạn, nghi có nhiều thứ, nhưng tất cả những điều này đều không màng đến nữa, bạn chỉ cần xưng danh, chắc chắn được vãng sanh, há chẳng phải niềm tin đã bao gồm ở trong đó rồi sao? Vì thế, qui kết của Kinh Quán Vô Lượng Thọ là ở chỗ ‘nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật A-di-đà’, đây chính là đại ý của Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

IV- Hồi hướng phát nguyện tâm –– tâm tự nhiên về nhà        ‘Hồi hướng phát nguyện tâm’, nói đơn giản chính là tâm chán ghét, muốn xa lìa cõi Ta-bà, ưa muốn sanh về Cực Lạc, cũng là nói, không còn lưu luyến cõi Ta-bà, thậm chí còn chán ghét nữa, bởi vì ở đây khiến chúng ta tạo tội tạo nghiệp, chịu khổ chịu nạn, chúng ta còn có thể thích nó hay sao? Đức Phật Thích-ca-mâu-ni từng dạy rằng, thế giới Ta-bà này chính là nhà lửa tam giới, nhà đang bị lửa đốt, chúng ta làm sao có thể thích được?

Vì thế mà ngán ngẩm cõi Ta-bà. Thế giới Cực Lạc trang nghiêm, thù thắng, thanh tịnh, an lạc như thế, chúng ta sao lại không thích về đó chứ? Huống hồ thế giới Cực Lạc là do Đức Phật A-di-đà vì chúng ta mà kiến lập nên, là nhà của chúng ta, chủ hộ là chúng ta, mỗi người chúng ta đều là chủ hộ của thế giới Cực Lạc.

Về đến nhà mình rồi, thì tự nhiên thoải mái vô cùng; hôm nay đi làm, hễ đến giờ tan ca thì tự nhiên về nhà mình, ‘hồi hướng phát nguyện tâm’ chính là như thế đấy. Ở thế giới Ta-bà, chúng ta đã làm những việc bất kể là thiện, là ác, hay bất kỳ công đức nào cũng không cho rằng nó có thể khiến mình tái sanh làm người, hoặc sanh lên thiên đường, mà thảy đều hồi hướng phát nguyện, nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Ba tâm này đều gồm thâu trong thâm tâm, biết rằng chúng sanh không thể thoát ra khỏi lục đạo này, nhưng chỉ cần xưng danh niệm Phật, chắc chắn vãng sanh thế giới Cực Lạc, thảy đều nằm ngay trong một niệm tín tâm này.

V- Công năng của danh hiệu, phá nghi mãn nguyện        Trong Vãng sanh luận chú, còn một chỗ mấu chốt nữa, đó là trong quyển hạ phần mở đầu Tán thán môn có nêu lên hiện tượng tu hành, là như thật tu hành và không như thật tu hành.

 Danh hiệu Vô Ngại Quang Như Lai, có thể phá trừ tất cả vô minh của chúng sanh, có thể viên mãn tất cả chí nguyện của chúng sanh. Nhưng có người xưng danh ức niệm, mà vô minh vẫn còn, chưa hề mãn nguyện được, vì sao? Do vì không như thật tu hành, không tương ưng với danh nghĩa. Vì sao nói là không như thật tu hành, không tương ưng với danh nghĩa? Nghĩa là không biết Như Lai là ‘thân thật tướng’, là ‘thân vì chúng sanh’.

 Lại có ba điều không tương ưng,

 một là “vì tín tâm không thuần, lúc còn lúc mất”;

 hai là “vì tín tâm không chuyên nhất, không quyết định”;

 ba là “vì tín tâm không  tương tục, bị những niệm khác làm gián đoạn”.       Khi nói pháp môn Tịnh Độ là ‘Phi tu bất tu’, thì chẳng phải đề cập đến việc tu hành, mà nói về việc xưng danh. ‘Xưng danh’ so với các việc tu hành thông thường, vừa dễ dàng lại vừa siêu việt.

Tổ sư Đàm Loan nói: Một câu danh hiệu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’, có thể phá trừ vô minh của chúng ta, có thể thỏa mãn ý nguyện của chúng ta, nhưng lại có một loại người, đã và đang xưng niệm ‘Nam-mô A-di-đà Phật, Nam-mô A-di-đà Phật’, nhưng vô minh hoàn toàn không thể phá trừ, ý nguyện của họ cũng không thành là do nguyên nhân gì?

Sau đây, ngài sẽ giải thích rõ. Trước hết, chúng ta hãy giải thích về vô minh và mãn nguyện.      Vô minh có 2 loại: Một là ‘Si vô minh’, hai là ‘Nghi vô minh’. Si vô minh’ chính là các loại phiền não tham, sân, si,… tất cả các vô minh đều bao gồm trong Si vô minh.

Loại thứ hai, ‘nghi vô minh’, là chỉ cho việc nghi ngờ sự cứu độ của Phật A-di-đà. Nói chung là tất cả vô minh của tham, sân, si; nói riêng chính là Nghi vô minh.

Thế thì, chỉ cần dẹp bỏ cái nghi vô minh, là sự nghi ngờ đối với Phật A-di-đà, chỉ cần chúng ta tin nhận sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà thì dầu cho tham, sân, si vô minh vẫn còn tồn tại, cũng không trở ngại gì. Bởi vì khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thì ba độc tham, sân, si phiền não chắc chắn được đoạn trừ.

Một câu danh hiệu A-di-đà Phật có thể diệt trừ vô minh của chúng ta, trước tiên là dẹp trừ nghi vô minh. Một khi nghi vô minh được phá trừ, thì lúc đó phiền não tham, sân, si chắc chắn sẽ được phá trừ. Vì thế, trước tiên phải dẹp trừ vô minh, mà chủ yếu chính là dẹp được nghi vô minh.

Đối với pháp môn Tịnh Độ, tính nghiêm trọng của vô minh không phải là ở tham, sân, si mà là ở sự nghi ngờ. Bởi vì chúng ta nghi ngờ sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà, nên chúng ta phải ở mãi trong tam giới lục đạo tạo tội, tạo nghiệp, thọ khổ báo. Bị luân hồi rồi, nếu được làm người, thì sẽ lại tạo mười nghiệp ác, lại phải sống tranh giành, cá lớn nuốt cá bé.

Như thế, chẳng phải tội nghiệp của “nghi vô minh”, tội nghi ngờ Phật A-di-đà còn nặng hơn tội giết người, phóng hỏa, ngũ nghịch, báng pháp hay sao? Vì thế, hoài nghi sự cứu độ của Phật A-di-đà, hoài nghi trí Phật, không tin sự cứu độ, tội nghiệp này nặng hơn tội giết người, phóng hỏa.

Bởi nghi ngờ nên không thể vãng sanh, phải tiếp tục chịu luân hồi; luân hồi thì có nguy cơ sẽ tạo nghiệp thập ác, ngũ nghịch, báng pháp, bất cứ tội gì cũng có thể tạo tác. “Nghi” nghĩa là nghi ngờ sự cứu độ của Phật A-di-đà, đó là tội lớn nhất trong tất cả các tội.

‘Mãn nguyện’, nguyện có nguyện ‘chung’ và nguyện ‘riêng’. ‘Chung’ là nói về những nguyện vọng trong đời sống con người, muốn cái này, muốn cái kia; hy vọng thế này, đòi hỏi thế nọ, nguyện vọng rất nhiều. ‘Riêng’ là nói về nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc, là ‘nguyện’ về việc vãng sanh.

Con người tuy có nhiều ý nguyện khác nhau, nhưng chỉ cần thỏa mãn được điều nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thì các nguyện khác cũng sẽ thành tựu. Bởi vì, chỉ sợ không thành Phật, chẳng lo thành Phật rồi mà không thể mãn nguyện. Nếu thành Phật rồi, thì có trí huệ, có thần thông, có thể tự tại như ý, thiên biến vạn hóa, chúng sanh đáng dùng thân gì để cứu độ, thì liền có thể hiện thân đó mà vì họ thuyết pháp.

Vì thế, muốn được mãn nguyện thì trước hết phải viên mãn nguyện vãng sanh. Nguyện vãng sanh là căn bản của tất cả các nguyện, chỉ cần nguyện này được viên mãn thì tất cả những nguyện khác đều có thể thành tựu.

VI- Vì sao xưng danh không được mãn nguyện

Một câu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’, có thể phá trừ vô minh của chúng ta, có thể thỏa mãn ý nguyện của chúng ta, nhưng vẫn có những người xưng danh, mà chưa dẹp trừ được vô minh, ý nguyện của họ vẫn chưa thành, rốt cục là nguyên nhân gì ?

  1. Không như thật xưng danh

Đại sư Đàm Loan giải thích một cách ngắn gọn, chúng ta tuy cũng xưng danh, nhưng chưa phải như thật xưng danh, nghĩa là nếu còn có một tí tâm nghi ngờ thì không phải là như thật xưng danh. Nếu đầy đủ tín tâm thì đó là như thật xưng danh.

Nhị bất tri (hai điều không biết)

Một câu danh hiệu Phật có thể diệt trừ tâm nghi ngờ của chúng ta, khiến chúng ta phát khởi niềm tin; một khi niềm tin phát khởi thì việc mong muốn vãng sanh sẽ đạt được. Nhưng tại sao lại khó có thể dẹp trừ được sự nghi này, khiến chúng ta khó phát khởi niềm tin?

Do vì chúng ta không biết thân của Phật A-di-đà là thân thật tướng, thân vì chúng sinh; vì chúng ta không biết nguyên lý, đầu đuôi ngọn ngành và nguồn gốc sanh khởi của câu danh hiệu này. Nếu như chúng ta biết được thì cái ‘nghi’ này sẽ được giải trừ, chúng ta sẽ có được niềm tin.

Thân thật tướng là gì? Thân vì chúng sanh là gì?

        Thân thật tướng là Báo thân của Phật A-di-đà, là thân thành Phật. Trong nguyện thứ 18, Phật A-di-đà có nói : “Giả sử Tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương xưng danh hiệu Tôi mà không vãng sanh thì Tôi sẽ không thành Chánh giác”. Thân thật tướng là thân tự lợi đã thành Phật của Phật A-di-đà. Tự thân Ngài đã thành Phật rồi, gọi là thân thật tướng. Nếu như chưa thành Phật,

Ngài vẫn còn là Bồ-tát, đã là Bồ-tát thì chúng ta không thể mãn nguyện đoạn nghi được. Nhưng Ngài đã thành Phật, thì chúng ta sẽ được toại nguyện vãng sanh. Vì sao? Vì tư lương vãng sanh, công đức vãng sanh, nơi chốn vãng sanh đều đã có ở trong câu danh hiệu Phật rồi.

Vì thế, một mai Ngài thành Phật rồi (tức là thân thật tướng), thì danh hiệu sẽ xuất hiện, danh hiệu đó chính là niềm tin của chúng ta. Danh hiệu được hiển hiện thì sự nghi ngờ của chúng ta được giải trừ.

Vì thế, thân thật tướng là thân tự lợi của Phật A-di-đà. ‘Nếu Tôi thành Phật’ cũng chính là một dạng Chánh giác của bậc đã thành Chánh giác.

       Thân vì chúng sanh là thân cứu độ chúng sanh, là thân lợi tha. Sự tồn tại của Đức Phật A-di-đà là vì cứu độ chúng sanh trong mười phương, nếu không thể cứu độ chúng sanh thì Ngài căn bản không thể thành Phật được; mà Ngài đã thành Phật rồi, thì hiển nhiên có thể cứu độ chúng sanh trong mười phương.

Do chúng ta không hiểu rõ Phật A-di-đà đã là một vị Phật thân thật tướng, Phật thân vì chúng sanh, do đó tâm nghi ngờ của chúng ta không thể giải trừ, đây là đứng về góc độ Phật mà nói; còn đứng về góc độ chính bản thân mình mà nói, thì do vì ‘hai điều không biết’.

Không biết về thân thật tướng, và không biết về thân vì chúng sanh, đây gọi là ‘Nhị bất tri’.

  1. Tam bất tín

Vì ‘Nhị bất tri’ mà dẫn đến ‘Tam bất tín’. ‘Tam bất tín’ nghĩa là ba điều không tin, đó là:

thứ nhất, tín tâm không thuần, lúc còn lúc mất;

thứ nhì, tín tâm không chuyên nhất, không chắc chắn;

thứ ba, tín tâm không tương tục, bị những niệm khác làm gián đoạn.

       Thứ nhất, tín tâm không thuần:

Chúng ta không biết Phật A-di-đà đã thành Phật, là trở thành Phật mang thân thật tướng, thân vì chúng sanh. Đã không biết, thì “tín” trong tâm chúng ta cũng sẽ không thuần. Không thuần thì không giống như niềm tin lúc ban đầu vốn có, lúc còn lúc mất, nghĩa là khi thì cảm thấy cầm chắc trong tay, khi thì chẳng dám chắc chắn.

‘Thuần’, theo sự giải thích thông thường, giống như một khúc gỗ, nguyên sơ từ trong rừng chuyển về, chưa qua chạm trổ, chưa qua tô vẽ sắc màu, đây gọi là thuần. Cũng giống như bi nguyện của Phật A-di-đà (thân thật tướng) cứu độ chúng sanh (thân vì chúng sanh), được tiếp nhận vào trong tâm chúng ta một cách nguyên sơ, không thêm vào bất kỳ sự tính toán, sự kiến giải, sự toan tính đo lường nào của mình, thì tín tâm này là thuần rồi.

Do đó, nói tín tâm thuần thì sẽ mãi mãi giải trừ được sự

nghi ngờ. Tín tâm không thuần, thì vẫn còn nghi.

       Thứ nhì, tín tâm không chuyên nhất: Phật A-di-đà cứu độ chúng ta là như thế (nguyên sơ), nhưng chúng ta lại không nghĩ như thế, mà chúng ta lại cho rằng, mình phải thế này, mình phải thế kia thì mới được cứu độ; hoặc lại nghĩ: “Tuy rằng có thế giới Cực Lạc và có Phật A-di-đà, nhưng chúng ta muốn vãng sanh, lẽ nào lại dễ dàng như thế chứ?

Chúng ta phải tích lũy cái này một ít, cái kia một ít, hoặc phải tu cái này, tu cái kia, mới có thể vãng sanh”.

Người có ý niệm như vậy là không chuyên nhất. Vì không chuyên nhất, nên tâm này cứ dao động mãi, phải thế này, phải thế kia, không quyết định chắc chắn. Bởi lẽ cứ ở đó hoặc thế này, hoặc thế kia, thêm cái này, thêm cái nọ, rất nhiều thứ, chẳng có thứ nào chắc chắn cả, nên gọi là ‘tín tâm không chuyên nhất’.

 Thứ ba, tín tâm không tương tục:

Vì tín tâm không chuyên nhất, không thể giữ mãi một mực, nên không thể tương tục. Khi phiền não đến, thì cảm thấy việc vãng sanh không cầm chắc trong tay; hoặc là nghe người ta nói pháp môn khác rất thù thắng, thì liền chuyển qua tu theo pháp môn khác. Vì không thể tin nhận sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà, nên không thể xưng niệm danh hiệu, liên tục vĩnh hằng bất biến.

VII- Tín tâm và xưng danh thống nhất với nhau

      Từ ‘nhị bất tri’ mà dẫn đến ‘tam bất tín’. Nếu như có ‘nhị tri’ thì có ‘tam tín’. ‘Tam tín’ là đứng trên ba góc độ để giải nói, thật ra ‘tam tín’ gói gọn trong tín tâm. Vì vậy, việc xưng danh niệm Phật thật sự đặt ngay nơi tín tâm này.

Bạn có niềm tin rồi, thì tự nhiên sẽ xưng danh, xưng danh như vậy chính là như thật tu hành, như thật xưng

danh. Nếu không có niềm tin thì chẳng phải là như thật xưng danh. Nhưng những điều này đều đứng trên góc độ của chúng ta để nói, còn đối với bản thân Phật A-di-đà thì Ngài cứu độ hết thảy chúng sanh trong mười phương, bất kể bạn biết hay không biết, tin hoặc chẳng tin, Ngài đều muốn cứu độ cả.

Chỉ e là vì không biết, không tin, mà bạn bỏ chạy ra thật xa; nếu bạn không bỏ chạy, mãi mãi ở ngay đó, nghĩa là bạn luôn xưng niệm một câu danh hiệu Phật, mãi mãi không thay đổi thì vẫn được vãng sanh như thường. Bởi vì bất tri bất giác niềm tin đã có ở trong câu danh hiệu rồi. Bất tri bất giác câu danh hiệu này đã tự nhiên vận hành ở ngay nơi đó rồi.

Vì thế, Tổ sư Đàm Loan một mặt nói: “Người nguyện vãng sanh, sẽ được vãng sanh”. Một mặt lại nói: “Phải có tam tín mới có thể như thật tu hành”. Thế chẳng phải mâu thuẫn với nhau hay sao? Thật ra chẳng mâu thuẫn gì cả. Những người mà suốt đời giữ mãi tâm nguyện vãng sanh, những người mà suốt đời luôn giữ mãi việc xưng danh niệm Phật, thì niềm tin tự nhiên đã có ở ngay trong đó rồi. Nếu không thì họ làm sao có thể được như thế? Họ có thể được như thế, cũng là do thiện căn đời trước của họ. Đồng thời, bất tri bất giác niềm tin đã ở ngay trong đó rồi.
Trích  Sách Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

 

 

 

 

       

 

 

      Từ ‘nhị bất tri’ mà dẫn đến ‘tam bất tín’. Nếu như có ‘nhị tri’ thì có ‘tam tín’. ‘Tam tín’ là đứng trên ba góc độ để giải nói, thật ra ‘tam tín’ gói gọn trong tín tâm. Vì vậy, việc xưng danh niệm Phật thật sự đặt ngay nơi tín tâm này.

Bạn có niềm tin rồi, thì tự nhiên sẽ xưng danh, xưng danh như vậy chính là như thật tu hành, như thật xưng

danh. Nếu không có niềm tin thì chẳng phải là như thật xưng danh. Nhưng những điều này đều đứng trên góc độ của chúng ta để nói, còn đối với bản thân Phật A-di-đà thì Ngài cứu độ hết thảy chúng sanh trong mười phương, bất kể bạn biết hay không biết, tin hoặc chẳng tin, Ngài đều muốn cứu độ cả.

 

Chỉ e là vì không biết, không tin, mà bạn bỏ chạy ra thật xa; nếu bạn không bỏ chạy, mãi mãi ở ngay đó, nghĩa là bạn luôn xưng niệm một câu danh hiệu Phật, mãi mãi không thay đổi thì vẫn được vãng sanh như thường. Bởi vì bất tri bất giác niềm tin đã có ở trong câu danh hiệu rồi. Bất tri bất giác câu danh hiệu này đã tự nhiên vận hành ở ngay nơi đó rồi.

Vì thế, Tổ sư Đàm Loan một mặt nói: “Người nguyện vãng sanh, sẽ được vãng sanh”. Một mặt lại nói: “Phải có tam tín mới có thể như thật tu hành”. Thế chẳng phải mâu thuẫn với nhau hay sao? Thật ra chẳng mâu thuẫn gì cả. Những người mà suốt đời giữ mãi tâm nguyện vãng sanh, những người mà suốt đời luôn giữ mãi việc xưng danh niệm Phật, thì niềm tin tự nhiên đã có ở ngay trong đó rồi. Nếu không thì họ làm sao có thể được như thế? Họ có thể được như thế, cũng là do thiện căn đời trước của họ. Đồng thời, bất tri bất giác niềm tin đã ở ngay trong đó rồi.

Trích  Sách Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

 

 

Viết một bình luận