Niệm Phật Một Môn Thâm Nhập (TT)

22.IV- Sự cứu độ của Phật A-di-đà là pháp môn thuần tha lực

Phật A-di-đà vì chúng ta mà sáng lập ra thế giới Cực Lạc, trong thế giới Cực Lạc, mỗi một giọt nước, một lá cây, một bông hoa, thậm chí một viên đá quí, đều do Phật A-di-đà hoàn thành. Vậy thì, thế giới Cực Lạc được xây dựng ra cho ai? Đương nhiên là cho chúng ta, nếu chúng sanh chúng ta không vãng sanh về đó, thì thế giới Cực Lạc chẳng có ý nghĩa gì cả.

Công hạnh cần phải có để vãng sanh về thế giới Cực Lạc là do Phật A-di-đà vì chúng ta mà thành tựu, vì chúng ta mà viên mãn, Ngài đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu tập khổ hạnh để có thể hoàn thành 48 nguyện cứu độ chúng sanh chúng ta, mà cốt lõi là nguyện thứ 18. Việc thành tựu thế giới Cực Lạc và thành tựu thiện căn phước đức nhân duyên, để có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc đều do Đức Phật A-di-đà viên mãn cho chúng ta.

Vì thế, có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc là do Phật phát nguyện hồi hướng cho chúng ta, chứ chẳng phải chúng ta phát nguyện hồi hướng cho Ngài.

Nếu như chúng ta phát nguyện hồi hướng cho Phật
A-di-đà, mới được vãng sanh, thì việc vãng sanh khó nắm chắc được, và đối tượng cứu độ của Phật cũng rất hạn hẹp, ai dám đảm bảo được công hạnh của hành giả đó đã đạt đủ điều kiện và tư cách vãng sanh.

Thật ra, chỉ cần chúng ta tin nhận sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà, nguyện sanh về Tịnh độ của Ngài, sau đó chuyên xưng danh hiệu Ngài, thì đã được cứu độ, ngay nơi đây đã đầy đủ tư cách để vãng sanh rồi.

Chúng ta phải hiểu chữ ‘tin’ này là vĩnh hằng bất biến, không chút lay động, như kim cang bất hoại, cho dù bệnh khổ ngay trước mắt cũng không thay đổi, lúc lâm chung cũng vững niềm tin kim cang bất biến; chữ tin ở đây khác với việc tin dùng thông thường của thế gian, niềm tin của thế gian có thể thay đổi, nhưng niềm tin của chúng ta đối với Phật A-di-đà là kim cang bất biến, vì đối tượng mà ta tin vào là Phật A-di-đà và thế giới Cực Lạc do Ngài thành tựu.
Phải tin như thế này thì mới là niềm tin của tín nguyện hạnh. Phật A-di-đà là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, có khả năng cứu độ bất kỳ chúng sanh nào ở bất kỳ thời đại nào, chúng ta không cần tu xen tạp các công hạnh khác mang tính tự lực rồi hồi hướng. Chỉ hoàn toàn thuần túy tiếp nhận sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà, là pháp môn ‘thuần tha lực’, nếu chúng ta còn xen tạp ý kiến của mình vào, thì đó là pháp môn Tự tha nhị lực.

V- ‘Thuần tha lực’ và ‘tự tha nhị lực’

Bây giờ, nói đến sự khác biệt giữa hai môn này. Ba bộ kinh căn bản của pháp môn Tịnh Độ là Kinh Vô Lượng Thọ ,kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà. Liên quan đến nội dung và ý nghĩa của việc xen tạp tự lực và thuần túy tha lực, theo Đại sư Thiện Đạo thì sự giải thích của kinh Quán Vô Lượng Thọ là chính xác nhất, ở đây sẽ dẫn chứng nội dung Quán kinh sớ của Ngài để giải thích.

Quán Kinh Sớ tổng cộng gồm 4 quyển, ‘phần Huyền nghĩa’ trong quyển 1, trước khi giải thích kinh văn, Đại sư nói về nghĩa lý quan trọng của của bộ kinh này, sau đó mới triển khai. Trong ‘phần Huyền nghĩa’ có một đoạn ghi:
Phu nhân Vi-đề-hi tha thiết thỉnh cầu: Nay con ưa muốn vãng sanh về cõi nước An Lạc; cúi xin Đức Như Lai, dạy con tư duy, dạy con chánh thọ.

Phu nhân Vi-đề-hi, là vợ của vua Tần-bà-sa-la nước Ấn Độ thời Phật còn tại thế, thái tử của họ là A-xà-thế vì chiếm đoạt vương vị mà bắt phụ vương và mẫu hậu giam vào ngục tối, phu nhân vô cùng đau khổ, bi thương, bà nghĩ
rằng: “Vì sao gia đình ta, thậm chí là hoàng gia, lại xảy ra việc ngỗ nghịch bất đạo như vầy chứ!”.

Bà vô cùng đau lòng và quay về hướng mà Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang cư trú, khẩn cầu Ngài đến thuyết pháp cho bà, Đức Phật ứng lời cầu nguyện của bà, dùng thần thông đến ngay chỗ bà bị giam.

Phu nhân bạch với Phật rằng, thế giới Ta-bà này đầy dẫy sự đau khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, bà hy vọng kiếp sau sẽ không sanh vào thế giới này nữa, mong Đức Phật chỉ cho bà một thế giới không có sự đau khổ để bà sanh về đó.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni liền phóng ánh sáng từ lông trắng giữa chặng mày, chiếu khắp mười phương thế giới, sau đó, Ngài lại thu nhiếp ánh sáng về trên đỉnh đầu, hiển hiện thành một đài quang minh, tất cả các cõi nước trong mười phương thế giới thảy đều hiển hiện trên đài quang minh này.

Phu nhân sau khi quan sát và chọn lựa, bà bạch với Phật rằng, các cõi nước thanh tịnh trong mười phương tuy đều rất tốt đẹp, nhưng con muốn được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà.

Ở đây, điều mà Đại sư Thiện Đạo nói: “Phu nhân Vi-đề-hi tha thiết thỉnh cầu, con nay ưa muốn vãng sanh về cõi nước An Lạc, cúi mong Đức Như Lai dạy con tư duy, dạy con chánh thọ” có nghĩa là, con muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, xin Phật Thích-ca-mâu-ni chỉ dạy cho con quán
tưởng như thế nào, mới có thể thấy được các tướng trạng của thế giới Cực Lạc để vãng sanh về nơi đó.

VI- ‘Yếu môn’ và ‘Hoằng nguyện môn’

Kế đến là:

Ta-bà hóa chủ, nhân vì bà ấy thỉnh cầu, nên rộng mở yếu môn trong Tịnh độ; An Lạc năng nhân, làm rõ biệt nghĩa của hoằng nguyện.

Ta-bà hóa chủ là chỉ cho Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, nhân vì phu nhân Vi-đề-hi thỉnh cầu nên Ngài khai triển ra ‘yếu môn’ trong pháp môn Tịnh Độ. ‘An Lạc năng nhân’ là chỉ cho Đức Phật A-di-đà, Phật A-di-đà làm rõ ràng biệt nghĩa của hoằng nguyện.

Biệt nghĩa là vì nó khác với các giáo lý nhân quả, pháp môn thông thường khác; hoằng nguyện chính là nguyện thứ 18, vì để cứu độ chúng sanh trong mười phương, nguyện này vô cùng rộng lớn, nên gọi là hoằng nguyện. Từ điểm này cho thấy, vãng sanh thế giới Cực Lạc có hai môn:

‘Yếu môn’ và ‘Hoằng nguyện môn’.

Yếu môn chính là hai môn định và tán trong Quán kinh.

Định là ngưng dứt suy tư để ngưng đọng tâm lại, tán là bỏ ác để tu thiện

Hồi hướng hai hạnh này, cầu nguyện vãng sanh.

Yếu môn là gì? Là chỉ cho hai môn ‘Định’ và ‘Tán’. Định là ngưng dứt suy tư để ngưng đọng tâm lại, cũng tức là mười ba pháp quán đầu trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Muốn thành tựu các pháp quán này, cần phải ngưng dứt vọng tưởng tạp niệm, nên gọi là ‘ngưng dứt suy tư’; để hẳn tâm tập trung vào mười ba pháp quán, nên gọi là ‘ngưng đọng tâm lại’, đây là pháp môn của ‘Định’.

‘Tán’ là chỉ cho ba pháp quán sau cùng trong mười sáu pháp quán, đó là pháp quán thứ 14, 15, 16. Không giống các pháp quán từ 1 đến 13 đòi hỏi dứt suy tư, ngưng đọng tâm, mà ba pháp quán sau giảng cho người tâm tán loạn, không định, tuy tâm tán loạn, nhưng cũng cần phải bỏ ác, tu thiện.

Hồi hướng hai hạnh này, cầu nguyện vãng sanh, nghĩa là hồi hướng hai môn định và tán, để vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu không tu hai môn này, thì không có công đức để hồi hướng, cũng không thể vãng sanh, nên nó thuộc về Yếu môn.

‘Hoằng nguyện môn’ là gì?

Như trong Đại kinh ghi:

Nương vào đại nguyện, đại nghiệp, đại lực của Phật A-di-đà làm tăng thượng duyên, tất cả phàm phu thiện ác đều được vãng sanh,

Đại kinh là chỉ cho kinh Vô Lượng Thọ, đoạn nào trong kinh Vô Lượng Thọ nói đến điểm này? Đó là nguyện thứ 18, vì nguyện thứ 18 vừa mới mở đầu đã ghi: “Nếu Tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương…”. Ý nói, mục đích thành Phật của Tôi là khiến cho chúng sanh trong mười phương thảy đều vãng sanh về thế giới Cực Lạc, cho nên Đại Kinh có ghi: Tất cả phàm phu thiện ác, chúng sanh trong mười phương đã bao gồm chúng sanh thiện và ác, vậy chúng sanh trong mười phương là lấy phàm phu làm gốc, không phải chỉ cho thánh nhân.

Tất cả phàm phu thiện ác đều có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc, đó là do nương tựa vào sức đại nguyện, đại nghiệp, đại lực của Phật A-di-đà nên mới có thể vãng sanh. Cái duyên đại nguyện, đại nghiệp, đại lực của Đức Phật A-di-đà như thế, sức mạnh này có thể khiến cho chúng ta siêu phàm nhập thánh, xa rời lục đạo sanh tử luân hồi, đạt đến vãng sanh và thành Phật, cho nên gọi là ‘tăng thượng duyên’, đây là nhắm vào nguyện thứ 18 mà nói.

Từ những điều trên đây, chúng ta có thể thấy rằng pháp môn Tịnh Độ có môn ‘Thuần tha lực’, tức là hoàn toàn nương vào sức Phật; cũng có môn ‘Tự tha nhị lực’ tức là nửa tự lực nửa tha lực.
Tóm lại, Phật pháp chia ra Thánh đạo môn và Tịnh độ môn. Trong Tịnh độ môn có yếu môn và hoằng nguyện môn. Yếu môn gồm Định và Tán; Định là mười ba pháp quán, Tán là ba phước chín phẩm, cần phải xem kinh Quán Vô Lượng Thọ mới có thể hiểu rõ ba phước chín phẩm, đây
là môn ‘Tự tha nhị lực’, nghĩa là tự lực hồi hướng về cõi Phật A-di-đà, song song với việc để tha lực cứu độ chúng ta, cho nên gọi là môn tự lực trong tha lực.

VII- Đại nguyện, đại nghiệp, đại lực

Còn Hoằng nguyện môn thì sao? Đó là thuần túy ‘tha lực hồi hướng’, ‘tha’ là chỉ cho Phật A-di-đà, tức là Phật A-di-đà đem sức mạnh, công đức của Ngài hồi hướng cho chúng ta, để cho chúng ta đương nhiên được hưởng. Vậy, Đức Phật A-di-đà hồi hướng cho chúng ta những gì? Như trước đã nói ‘đại hạnh, đại nguyện, đại lực’ cũng chính là ‘đại nguyện’, ‘đại hạnh’, ‘đại lực’của Phật A-di-đà hồi hướng cho chúng ta.

‘Đại nguyện’, như vừa mới giảng, tức là khi Phật A-di-đà còn làm Bồ-tát Pháp Tạng, vì để cứu độ chúng ta, sau khi trải qua năm kiếp tư duy, cân nhắc, Ngài mới phát ra 48 nguyện để cứu độ chúng ta một cách dễ dàng, đây gọi là ‘Bản nguyện’. Bản nguyện này của Phật là vì chúng ta mà phát.

‘Đại nghiệp’, là chỉ cho hành vi lớn, thế nào là hành vi lớn? Tuy là Phật A-di-đà, đã phát nguyện, nhưng nếu chỉ phát nguyện mà thực tế không thực hiện thì chỉ là nguyện suông mà thôi, không đạt được mục đích. Phật A-di-đà đã trải qua triệu năm nghìn kiếp tu hành Bồ-tát vạn hạnh, là vì chúng ta mà tu.

Có nguyện rồi, có hạnh rồi, sau khi hạnh nguyện viên mãn, thì sẽ phát sanh ‘đại lực’. ‘Đại lực’ chính là sức nhiếp thủ của ánh sáng vô ngại và sức công đức vô vi, vô lậu từ câu danh hiệu của Đức Phật A-di-đà. Kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi:
Ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới,
Nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật không bỏ.

Ánh sáng của Phật A-di-đà là vô lượng, chiếu khắp mười phương thế giới mà không bị trở ngại, ánh sáng này có tác dụng nhiếp thủ cứu độ những chúng sanh niệm Phật. Vì vậy, trong danh hiệu Phật đã có sức nhiếp thủ của ánh sáng vô ngại.

VIII- Năm loại chánh hạnh

Chánh hạnh có năm loại gọi là ‘năm chánh hạnh’, đó là ‘đọc, quán, lễ, xưng, tán’, tức là:

1. Chánh hạnh đọc tụng.

2. Chánh hạnh quán tưởng.

3. Chánh hạnh lễ bái.

4. Chánh hạnh xưng danh.

5. Chánh hạnh tán thán, cúng dường.

Vì sao năm việc này được gọi là ‘chánh hạnh’?

Đại sư nói:

Chánh hạnh là hành giả chuyên dựa vào kinh vãng sanh mà hành.

Nghĩa là năm chánh hạnh này thuần túy dựa vào kinh vãng sanh (Tịnh độ tam kinh), là hạnh trực tiếp thuần chánh vãng sanh về Tịnh độ Di-đà.

Lại nữa, trong năm chánh hạnh này, lại chia ra hai loại: ‘Chánh nghiệp’ và ‘trợ nghiệp’.

‘Chánh nghiệp’ còn gọi là chánh định nghiệp chính là hạnh thứ tư xưng danh niệm Phật trong năm loại chánh hạnh.

Đại sư nói:
Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà, đi đứng nằm ngồi, bất luận lúc nào, ở đâu, luôn niệm niệm không quên, đây gọi là chánh định nghiệp, vì thuận theo bản nguyện của Phật A-di-đà.

‘Trợ nghiệp’ tức là bốn loại chánh hạnh còn lại,

Đại sư nói:

Nếu nương theo lễ bái, tụng niệm v.v. thì gọi là ‘trợ nghiệp.

Vì sao trong năm chánh hạnh, chỉ xưng danh niệm Phật là Chánh định nghiệp? Đại sư giải thích rằng “Vì thuận theo bản nguyện Phật”. ‘Xưng danh niệm Phật chính là hạnh bản nguyện của Phật A-di-đà’, các hạnh khác chẳng phải hạnh bản nguyện; vì thế, chỉ có xưng danh hiệu Phật chính là nương vào nguyện lực của Phật, chắc chắn được vãng sanh.

Đại sư lại nói:

Trừ hai hạnh chánh định nghiệp và trợ nghiệp ra, các việc thiện khác đều là tạp hạnh.

Cũng tức là ngoài năm loại chánh hạnh này ra, các việc tu hành khác đều gọi là ‘tạp hạnh’.

IX- Năm loại tạp hạnh

‘Tạp hạnh’ có rất nhiều hạnh, như lục độ ba-la-mật mà thông thường các vị Bồ-tát hay tu, và tất cả những hạnh thiện khác. Nếu luận về tạp hạnh thì nhiều vô số, chẳng thể kể hết. Đối nghịch với năm chánh hạnh thì có ‘năm loại tạp hạnh’.

Ngoài ra, bố thí, trì giới v.v., cùng với bồ đề tâm mà Thánh đạo môn chú trọng, thảy đều thuộc tạp hạnh. Cũng tức là tất cả muôn hạnh thiện ngoài năm loại chánh hạnh này ra, không cần biết là Đại thừa hay Tiểu thừa, vì cầu đời này chứng ngộ, hoặc cầu lợi ích trong hiện đời, mà tu tập thì đều gọi là Tạp hạnh.

X- Sự được, mất giữa hai hạnh

Đại sư nêu ra năm chánh hạnh, chỉ rõ phương pháp vãng sanh, ngài muốn cho mọi người từ bỏ tạp hạnh để quay về chánh hạnh, nên nêu ra ‘năm cặp đối nhau’. Vì ‘hành tướng vãng sanh’ đã có ‘hai hạnh chánh và tạp’ rồi, thì ‘sự được mất của hai hạnh’ cũng có năm hạnh đối nhau.

Vì thế, Đại sư nói:

Nếu tu hai hạnh là chánh hạnh và trợ hạnh nêu ở phía trước, thì tâm thường gần gũi, nhớ nghĩ không dứt, gọi là vô gián;

Nếu tu tạp hạnh vừa nêu ở phía sau, thì tâm thường gián đoạn, tuy có thể hồi hướng vãng sanh, đều gọi là hạnh tạp và xa vậy.

1. Năm cặp đối nhau

2. Sự được, mất giữa hai hạnh

Như thế, người tu năm chánh hạnh được thân duyên, cận duyên với Phật A-di-đà, vô gián, không cần hồi hướng riêng, thuần hạnh Cực Lạc; còn người tu tạp hạnh, những hạnh quan hệ đến chư Phật, Bồ-tát, trời, người ngoài Phật A-di-đà, thì xa lạ, xa cách với Phật A-di-đà, có gián đoạn, cần phải hồi hướng, không thuần.

So sánh giữa việc tu năm loại chánh hạnh và năm loại tạp hạnh, có năm cặp đối chiếu này. Vì thế, cần phải bỏ tạp hạnh, chọn tu chánh hạnh, đó là ý ‘Tựu hạnh lập tín’ của Đại sư Thiện Đạo.

Pháp Nhiên thượng nhân, một vị cao tăng người Nhật, riêng chỉ tôn kính Đại sư Thiện Đạo, thượng nhân đem tư tưởng của Đại sư, khéo dùng 4 bài kệ ngũ ngôn tứ tuyệt làm rõ nghĩa một cách trọn vẹn. Bốn bài kệ này bao hàm ý nghĩa ‘ba tầng tuyển chọn’, người đời sau gọi là ‘Tam tuyển văn’. Bốn chữ ‘Các, phao, bàng, chuyên’ được nêu lên trong bài ‘Tam tuyển văn’ có thể gọi là ‘khẩu quyết của Tịnh tông’.

Bài văn như sau:

Dục tốc ly sanh tử,
Nhị chủng thắng pháp trung,
Thả các Thánh đạo môn,
Tuyển nhập Tịnh độ môn.

Dục nhập Tịnh độ môn,
Chánh tạp nhị hạnh trung,
Thả phao chư tạp hạnh,
Tuyển ưng qui chánh hạnh.

Dục tu ư chánh hạnh,
Chánh trợ nhị nghiệp trung,
Du bàng ư trợ nghiệp,
Tuyển ưng chuyên chánh định.

Chánh định chi nghiệp giả,
Tức thị xưng Phật danh,
Xưng danh tất đắc sanh,
Y Phật bản nguyện cố.

Nghĩa là:

Muốn mau lìa sanh tử,
Trong hai pháp môn Phật,
Tạm gác Thánh đạo môn,
Chọn vào Tịnh độ môn.

Muốn vào Tịnh độ môn,
Trong hai hạnh chánh tạp,
Tạm bỏ các tạp hạnh,
Chọn quay về chánh hạnh
Muốn tu nơi chánh hạnh,
Trong hai nghiệp chánh trợ,
Trợ nghiệp để sang bên,
Chọn chuyên chánh định nghiệp.

Người tu chánh định nghiệp,
Tức là xưng danh Phật,
Xưng danh ắt vãng sanh,
Vì nương bản nguyện Phật.

Bài văn trên nói rõ ý nghĩa của ba tầng tuyển chọn, tức là trong “Hai môn, hai hạnh, hai nghiệp”, “gác Thánh đạo, chọn Tịnh độ; bỏ tạp hạnh, chọn chánh hạnh; bỏ trợ nghiệp, chọn chánh nghiệp”, nói gọn lại là “chọn Tịnh độ, chọn chánh hạnh, chọn chánh định nghiệp”

 

(Còn tiếp)
Trích Ban Nguyện Niệm Phật
Thích Minh Tuệ

Viết một bình luận