Niệm Phật Chắc Chắn Vãng Sanh (TT)

6.Niệm Phật Chắc Chắn Vãng Sanh (TT)

6.1.3.3. Người ấy khi mạng chung, tâm không điên đảo.

Đa số người ta đều cho rằng, khi mạng chung nhất định phải tự mình giữ được chánh niệm, tâm không điên đảo mới có thể cảm được Đức Phật A-di-đà hiện ra trước mắt tiếp dẫn vãng sanh, mà họ không biết rằng ‘vì Phật hiện ra trước rồi mới được chánh niệm, chứ chẳng phải được chánh niệm rồi Phật mới hiện’. Nghĩa là ‘Đức Phật từ bi gia hộ khiến cho tâm ta không tán loạn’, bởi vì ‘Bình sanh chuyên trì danh hiệu Phật, khi lâm chung Phật nhất định hiện ở trước; vì Phật hiện ra rồi nên tự nhiên tâm được chánh niệm và không điên đảo’. Hai tầng nhân quả này trong kinh văn vốn đã phân minh, Tổ giải thích càng thêm rõ ràng, nếu tĩnh tâm suy nghĩ thì nghĩa ấy tự hiển hiện.

  1. Chúng sanh trong biển khổ

Đại sư Đàm Loan là một người chân thật tu hành, trong phần đầu của kệ Tán A-di-đà Phật, ngài nói:

            Ngã tùng vô thỉ tuần tam giới
            Vi hư vọng luân sở hồi chuyển
             Nhất niệm nhất thời sở tạo nghiệp
             Túc hệ lục đạo trệ tam đồ.

 

Nghĩa là:

            Ta từ vô thỉ theo tam giới
            Bị luân hồi hư vọng xoay chuyển
            Mỗi giây mỗi phút đều tạo nghiệp
            Đủ trói trong lục đạo, tam đồ.

                                                                    
Đại sư Đàm Loan nói: “Ta từ vô thỉ đến nay đều tạo nghiệp trong tam giới”, nghĩa là bị luân hồi trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, cho nên nói ‘Ta từ vô thỉ theo tam giới’.

‘Bị luân hồi hư vọng xoay chuyển’, tam giới nghĩa là lục đạo luân hồi, mà lục đạo luân hồi thì hư vọng không chân thật, nhưng chúng ta cứ thản nhiên ôm cái hư vọng cho là chân thật, nên một khi đã ở trong luân hồi rồi thì bị lưu chuyển không bao giờ ngừng nghỉ.

Mãi đến tận hôm nay, chúng ta vẫn ‘mỗi giây mỗi phút đều tạo nghiệp, đủ để trói buộc trong lục đạo, tam đồ’. Mỗi giây, mỗi phút cũng là tâm tâm niệm niệm, hiện tại tâm tâm niệm niệm đều tạo nghiệp. Tuy nói nghiệp có thiện nghiệp và ác nghiệp, nhưng ngài Đàm Loan nói, nghiệp này ‘đủ để trói buộc chúng ta trong lục đạo, tam đồ’ nghĩa là đều ở trong ba đường ác.

Ý của đoạn văn này nói, Đại sư Đàm Loan tự nhận mình là một phàm phu tạo tội, tạo nghiệp, nghiệp mà ngài đã tạo trong từng sát-na không phải là thiện nghiệp mà là nghiệp ở trong ba đường ác.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói: “Lục đạo là biển khổ”, ‘biển’ này rõ ràng là không bờ cũng không đáy. Sự luân hồi trong lục đạo không có giới hạn cũng không có kết thúc.

 

Chúng ta thường ‘trồi lên, hụp xuống’ trong lục đạo, trồi lên nghĩa là ở trong biển này thỉnh thoảng chúng ta được sanh làm người, chợt nhô đầu lên trong khoảng mấy hơi thở rồi lại chìm xuống.

Ngay cả Đại sư Đàm Loan cũng tự nhận mình là một chúng sanh ‘trồi lên, hụp xuống’ trong tam ác đạo, huống chi chúng ta! Ngài sống vào thời Nam Bắc Triều, vua Lương Vũ Đế phải hướng đến ngài đảnh lễ và tôn xưng ngài là ‘Bồ-tát Loan’; vua của Bắc Triều, Bắc Ngụy thì tôn xưng ngài là ‘Thần Loan’. Người như vậy mà tự nhận mình là một chúng sanh tội ác thì huống gì chúng ta!

Chúng ta không có một chút năng lực, cơ hội nào để thoát khỏi lục đạo, vì thế, nếu không có Đức Phật A-di-đà đã vì chúng ta mà phát ra điều nguyện thứ mười tám thì chúng ta sẽ vĩnh viễn bị luân hồi trong lục đạo không có ngày ra khỏi.

Chúng sanh khởi tâm động niệm như thế nào? Kinh Tịnh độ Bồ-tát nói:

                     Nhất nhân nhất nhật trung
                     Bát ức tứ thiên niệm
                     Niệm niệm chi sở vi
                     Giai thị tam đồ nghiệp.

Nghĩa là:

 

Một người trong mỗi ngày
Tám vạn bốn nghìn niệm
Hành vi trong mỗi niệm
Đều là nghiệp tam đồ.

Mỗi người trong một ngày có bao nhiêu ý niệm? Có tám vạn bốn nghìn ý niệm, đây không phải là con số mà là một thứ biểu pháp, cũng có nghĩa là vô lượng vô biên số ý niệm không thanh tịnh. Hành vi của những ý niệm này không phải giúp cho chúng ta được sanh làm người, sanh lên thiên đường hay thoát ly lục đạo luân hồi, mà trái lại đều là tạo nghiệp trong tam đồ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.Tâm niệm của chúng ta rõ ràng là như vậy, nghĩ đến mà kinh hoàng, cho nên,

 kinh Địa Tạng nói:

Nam Diêm-phù-đề chúng sanh, cử chỉ động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội.

Chúng sanh trong cõi nam Diêm-phù-đề, cử chỉ động niệm không gì chẳng phải là nghiệp, không gì chẳng phải là tội.


Nghĩa là, chúng ta khởi tâm động niệm, tất cả ngôn ngữ, hành vi của ba nghiệp thân khẩu ý đều là nghiệp, đều là tội.

Kinh Địa Tạng lại nói:

Nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu-di, năng thâm cự hải, năng chướng thánh đạo.

Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu-di, có thể sâu rộng như biển, có thể làm chướng ngại thánh đạo

.
Nghiệp lực của chúng sanh ‘có thể sánh bằng núi Tu-di’, Tu-di là ngọn núi cao nhất trong vũ trụ, nhưng nghiệp tội của chúng ta so với núi Tu-di còn cao hơn; ‘sâu rộng như biển’, đại hải là sâu nhất, nhưng tội nghiệp của chúng ta so với đại hải còn sâu hơn. Như vậy, nếu Đức Phật A-di-đà không phát ra lời thệ nguyện ‘nếu Ta thành Phật…’ thì chúng ta vĩnh viễn phải chịu luân hồi trong ba cõi sáu đường.

‘Ba cõi’ này Đại sư Đàm Loan miêu tả như thế nào? Ngài nói: ‘Ba cõi là hư giả, là nhiễm ô, là điên đảo, là phá hoại, là luân hồi, là vô cùng’.

Nghĩa là nhân và quả của chúng sanh trong ba cõi đều hư giả, không chân thật; đều là nhiễm ô, không thanh tịnh; đều là điên đảo, không phải là chánh tri chánh kiến; đều là phá hoại, mỗi niệm thay đổi vô thường, không tồn tại vĩnh hằng.

Hơn nữa, một khi đã luân hồi thì không đọa vào địa ngục cũng làm ngạ quỷ hay súc sanh không bao giờ cùng tận, điều này thật khủng khiếp.

Lại nói, ‘phàm phu bị sanh tử lưu chuyển trong nhà tối tam giới’, tam giới giống như ngôi nhà rộng nhưng vô cùng tối tăm, không có một chút ánh sáng nào. Ý muốn nói, phàm phu chúng ta ở trong ba cõi sáu đường thường mê mà không giác.

Lại nói, ‘tam giới đều do tà đạo hữu lậu sanh ra, là giấc mộng dài không biết khi nào tỉnh’, chúng ta vĩnh viễn ở trong đó không biết khi nào mới ra khỏi, luân chuyển trong ba cõi, nếu không gặp được Phật pháp, hoặc gặp Phật pháp nhưng không gặp được pháp môn cứu độ của Đức Phật A-di-đà, thì vĩnh viễn ở trong nhà tối tam giới, trong lục đạo như giấc mộng lớn không thể nào thoát  khỏi.

 

III. Hành đạo không khó

  1. Đạo khó hành và đạo dễ hành

Căn cơ của chúng sanh có muôn vàn sai khác, nên trên lộ trình tiến tu đến địa vị bất thoái chuyển cũng có rất nhiều pháp môn. Trong Dị hành phẩm, Bồ-tát Long Thọ đem tất cả pháp môn tu để đạt đến bất thoái chuyển chia ra thành đạo khó hành và đạo dễ hành.

Đạo khó hành thì hoặc là hoàn toàn dựa vào sức mình, hoặc là tu hành một nửa tha lực, một nửa tự lực.
Đạo dễ hành là chỉ cho pháp môn tu hành được Đức Phật A-di-đà cứu độ của tông Tịnh Độ, mà Bồ-tát Long Thọ đã nhấn mạnh đó là đạo dễ hành, nghĩa là hoàn toàn dựa vào tha lực. Tha lực ở đây là chỉ riêng cho sức cứu độ của Đức Phật A-di-đà, vì vậy, đạo dễ hành có thể nói là hoàn toàn nương vào sức của Đức Phật A-di-đà, không có mảy may nào là sức của mình.
Ví dụ như có một người không biết bơi, chẳng may bị rơi xuống biển, không có cách nào sang được bờ bên kia. Anh ta vùng vẫy, đau khổ, sắp chết chìm trong gang tấc, thì bỗng Đức Phật A-di-đà chèo thuyền bản nguyện đến bên anh ta, Ngài nói:
– Ngươi không có sức cũng không có ai cứu, nên nay Ta đến để cứu ngươi.
Nói rồi, Đức Phật A-di-đà kéo anh ta lên thuyền đại nguyện. Người này không cần phải mua vé, cũng chẳng cần phải phụ giúp người lái một tay, mà lại mau chóng sang được bờ bên kia một cách an toàn, nên Bồ-tát Long Thọ thí

dụ đây là pháp môn ‘đi thuyền’.

Ở nước Ngụy, nước Tấn thời đại Nam Bắc Triều, có một vị Tổ sư của tông Tịnh Độ là Đại sư Đàm Loan, ngài cũng kế thừa tư tưởng của Bồ-tát Long Thọ. Bồ-tát Long Thọ cho rằng đạo dễ hành là pháp môn đi thuyền, nghĩa là nhờ ngồi trên thuyền, cho nên mau tới mà không bị thoái lui. Còn ngài ví đạo khó hành giống như đi bộ, nghĩa là dùng sức của mình để tự đi.

Ý nghĩa của việc đi thuyền, là dù bản thân có sức lực nhưng trên suốt lộ trình cũng không cần sử dụng. Huống hồ, bản thân không có một chút sức lực nào nên mới bị đọa lạc, thì nhất định phải nhờ vào sức cứu độ của Đức Phật A-di-đà.

Nội dung chủ yếu của Dị hành phẩm là hỏi đáp về đạo khó hành và đạo dễ hành, để nói rõ về đạo dễ hành. Sau đó, chỉ hỏi đáp về đạo dễ hành, nhờ đó hiển bày trọn vẹn tư tưởng của Bồ-tát Long Thọ:

Vấn viết: Chí A-duy-việt-trí địa giả, hành chư nan hạnh, cửu nãi khả đắc, hoặc đọa Thanh văn, bích chi Phật địa. Hoặc nhĩ giả, thị đại suy hoạn…
Nhược chư Phật sở thuyết, hữu dị hành đạo, tật đắc chí A-duy-việt-trí địa phương tiện giả, nguyện vị thuyết chi.

Hỏi: Người tu hành muốn đắc A-duy-việt-trí, phải trải qua thời gian lâu dài, làm những hạnh khó làm mới có thể chứng đắc, hoặc rơi vào hàng Thanh văn hay bích chi Phật, nếu như vậy thì thật là một điều đáng lo lắng…

Như chư Phật đã dạy, có đạo dễ hành, là phương tiện mau chóng đắc A-duy-việt-trí, cúi xin Ngài hãy chỉ dạy cho chúng con được biết.

  1. Môn Thánh đạo và môn Tịnh độBồ-tát Long Thọ nói: ‘Phật pháp có vô lượng pháp môn’, lại nói ‘Bồ-tát đạo cũng như vậy’, cho nên nói ‘Phật pháp chính là Bồ-tát đạo’. Nhưng, bất luận là Phật pháp hay Bồ-tát đạo cũng đều có thể chia thành hai môn là đạo khó hành và đạo dễ hành.

Nội dung của đạo khó hành giống như đi bằng chân trên đường bộ, trên hành trình đi thì rất cực khổ, là ‘nhiều’, là ‘lâu đến’, là ‘thoái tâm’, nhất định phải siêng năng tinh tấn, không những phải trải qua nhiều kiếp tu tập các thứ pháp môn, mà còn có thể bị thoái chuyển.

Đặc biệt, đạo dễ hành thì không phải như vậy, giống như đi đường thủy, ngồi trên thuyền, rất thoải mái, không những rất ‘dễ đi’ mà lại ‘mau đến’, là ‘một’, là ‘nhanh’, là ‘chắc chắn’. ‘Một’ nghĩa là chỉ cần chuyên ‘nhất’ xưng niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà mà không cần phải nhờ vào các công đức khác để hồi hướng, chỉ cần nhất hướng chuyên xưng A-di-đà Phật là đủ rồi; hơn nữa, kết quả lại ‘nhanh chóng’, thành tựu ngay trong hiện tại, đồng thời ‘chắc chắn’ vãng sanh 100% không còn bị thoái chuyển.

Bồ-tát Long Thọ đem toàn bộ giáo pháp của Đức Phật chia thành hai môn là ‘đạo khó hành’ và ‘đạo dễ hành’, Đại sư Đàm Loan tiến thêm một bước, phân tích thành‘tự lực’ và ‘tha lực’. Kế đến, đệ tử của Đại sư Đàm Loan là Đại sư Đạo Xước tiếp tục phân ra thành ‘môn Thánh đạo’ và ‘môn Tịnh độ’. Đại sư Đạo Xước cho rằng, môn Thánh đạo nhất định phải thuộc căn cơ bậc thánh mới có thể tu hành, còn môn Tịnh độ thì không nhất định phải là căn cơ bậc thánh, mà chúng sanh chỉ cần tin nhận Di-đà cứu độ, chuyên xưng Di-đà Phật danh, nguyện sanh Di-đà Tịnh độ thì sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A-di-đà và thành Phật.

Tóm lại, toàn bộ Phật pháp có thể chia làm hai môn: Môn Thánh đạo và môn Tịnh độ. Môn Thánh đạo là đạo khó hành, nó thuộc về tự lực, chỉ căn cơ bậc thánh mới có thể tu được. Luận về tu hành là phải tu như thế nào? Nghĩa là giống như đi bộ, cho nên ‘là khổ, là nhiều, là lâu, là thoái lui’, đã có thoái chuyển thì việc chứng quả bất định.

Còn môn Tịnh độ thì thế nào? Là đạo dễ hành, là tha lực, tất cả phàm phu đều có thể tu được, nghĩa là nói tâm tin vào pháp môn cứu độ, tin như thế nào? Tin vào pháp môn  niệm Phật, chuyên nhất niệm Phật thì giống như đi đường thủy nhờ thuyền, cho nên ‘là vui, là duy nhất, là nhanh, là chắc chắn’ mà vãng sanh quyết định.

Môn Thánh đạo và môn Tịnh độ đều là Phật pháp, đạo khó hành và đạo dễ hành cũng là Phật pháp, tự lực và tha lực cũng đều là Phật pháp; cho nên, chúng ta không thể nói rằng phải dũng mãnh tinh tấn tu hành mới là Phật pháp, còn ung dung thoải mái niệm Phật thì không phải là Phật pháp; quan niệm này không đúng.

Thông thường, đa số tín đồ Phật giáo đều so sánh và sùng kính những bậc tu hành khổ hạnh. Họ cho rằng, học Phật quý ở tu hành khổ hạnh, cho nên người có trải qua tu khổ hạnh mới được đại chúng tin phục; còn các ông già bà lão là những người không biết chữ, chẳng qua chỉ mấp máy môi niệm Phật, như thế thì có gì là quý?Thậm chí có người còn hoài nghi: Chẳng lẽ đây cũng là Phật pháp ư?

Đây chẳng những đương nhiên là Phật pháp, mà còn là Phật pháp giúp hành giả thành tựu Phật quả mau chóng nhất. Thế nhưng, lại có lắm người xem thường người niệm Phật, họ cho rằng, ta là người có học vấn thế này, có thể thâm nhập kinh tạng; tinh tấn thế kia có thể học đủ các pháp môn, chẳng lẽ ta lại giống như các ông già bà lão suốt ngày chỉ niệm một câu‘Nam-mô A-di-đà Phật’ thôi sao?

Chính vì có thiên chấp này, nên mới sanh tâm kiêu mạn, nếu tình trạng cứ như vậy thì như trong kinh Vô Lượng Thọ nói: “khó mà tin được pháp môn này”.

 

  1. Môn Thánh đạo là giáo pháp tu hành tự lực

 

 

Môn Thánh đạo là giáo pháp ‘tu hành tự lực’, hoàn toàn dựa vào khả năng và sức lực của mình, đời đời kiếp kiếp ở trong lục đạo không mất thân người, tu hành lục độ vạn hạnh để chứng quả, nhưng giáo pháp này chỉ căn cơ bậc thánh mới có thể tu hành nổi, cho nên gọi là ‘khó’.

 

Còn môn Tịnh độ là giáo pháp ‘tín tâm tha lực’, đời này, lúc này ở thế giới Ta-bà, nhất hướng niệm Phật, vãng sanh về Tịnh độ Cực Lạc để chứng quả, giáo pháp này phàm phu ai cũng tu được, cho nên gọi là ‘dễ’.

Nói cách khác, nếu phải tu hành theo môn Thánh đạo thì trước hết bạn phải có đầy đủ căn cơ của bậc thánh, phải xác định được mục tiêu trọng yếu, nếu đời này bạn không thể thành tựu đạo nghiệp thì cũng phải được thân người trở lại. Hơn nữa, phải có nhân duyên liên tục, nếu cả đời bạn không thành tựu đạo nghiệp thì vẫn phải tiếp tục tu hành, phải có bản lĩnh như thế, nếu không thì miễn bàn, bởi vì, chính bạn cũng không biết đời này bạn sẽ đi đâu!

 

Nhưng thường thường chạy không thoát cái gọi là ‘tam thế oán’, nghĩa là đời này bạn học Phật, bố thí, tích lũy rất nhiều công đức, đời sau được hưởng thụ phú quý, nhưng trong khi hưởng lạc, bất tri bất giác tạo ác, đời thứ ba sẽ đọa lạc.

 

Vì vậy, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết pháp dạy chúng ta hành thiện tích đức không phải để cầu sanh lên trời hay làm người hưởng phước, hoàn toàn không phải như vậy! Ngài dạy chúng ta phải hồi hướng, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

 

  1. Môn Tịnh độ là giáo pháp tín tâm tha lực
    Môn Thánh đạo và môn Tịnh độ không giống nhau, môn Tịnh độ là giáo pháp tín tâm tha lực, là chỉ cho nguyện lực của Đức Phật A-di-đà. ‘Tín’, nghĩa là tin sự thật tồn tại một cách khách quan, vì nếu không có sự thật tồn tại khách quan bên ngoài, thì tín ngưỡng của chúng ta chỉ là trống rỗng, chỉ là nói suông!

Sự tồn tại của thế giới Cực Lạc và Đức Phật A-di-đà là sự thật khách quan mà Đức Phật Thích-ca bảo chứng cho chúng ta. Vì thế, sự tồn tại của Đức Phật A-di-đà là căn nguyên tín tâm của chúng ta, chúng ta chỉ cần tin lời Phật nói, không cần phải tính toán hay đắn đo gì, tự nhiên, thật thà tin tưởng không nghi ngờ, không lo lắng, lập tức tiếp nhận được sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà.

Như trăng sáng trên bầu trời chiếu xuống nước thì có bóng trăng hiện ra, bóng trăng không phải do nước sanh ra, chỉ cần có trăng thì mặt nước ảnh hiện ra bóng trăng, không phải nhờ phương tiện mới sanh, hồ to cũng được, chén nhỏ cũng được, chỉ e rằng bạn lấy nắp vung mà che các đồ đựng nước lại, bằng không thì chẳng có gì phải bàn, nghìn dòng sông có nước thì nghìn dòng sông đều có bóng trăng.

 

Cũng vậy, chỉ cần chúng ta bằng lòng tiếp nhận sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà, thì trong tâm mỗi người đều có công đức của Ngài, Đức Phật A-di-đà ở cùng một chỗ với chúng ta, cùng ra cùng vào, cùng ngủ cùng thức, cùng công tác và mãi mãi bảo hộ chúng ta.

 

Thế nhưng, nếu chúng ta đem tâm thủy của mình che kín lại, hoài nghi: “Làm gì có Đức Phật A-di-đà? Làm gì có thế giới Cực Lạc? Đâu có chuyện dễ dàng như thế? Thiên hạ đâu có chuyện ăn bánh không phải trả tiền!”. Nói những lời như vậy là tự đánh mất lợi ích lớn.

Giống như mặt trời chiếu khắp đại địa, chiếu cả cây to lẫn cây nhỏ, chiếu cả người xuất gia lẫn người tại gia, chiếu cả người tu hành lẫn người không tu hành. Thế nhưng, nếu bạn tự mình trốn tránh, ẩn náu ở trong động hay trong nhà thì bạn không thể tiếp xúc được với ánh mặt trời.

 

Cho nên, pháp môn Tịnh Độ này là giáo pháp “tín tâm tha lực’, nghĩa là ở ngay trong đời này, lúc này, tại thế giới Ta-bà này ‘tin tưởng niệm Phật chắc chắn vãng sanh’ và ‘nhất hướng niệm Phật’, thì lâm chung sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, chứng quả vị.


‘Nhất hướng’ nghĩa là không có hai hướng, ba hướng, không phải hôm nay niệm Phật, ngày mai lại niệm cái khác, nếu tâm tư không nhất định, nay tu pháp này, mai lại tu pháp khác thì không phải là nhất hướng. Nhất hướng là từ khi mới bắt đầu phát tâm, liên tục cho đến lúc vãng sanh đều không thay đổi, mới là nhất hướng niệm Phật.

 

Người thật sự tin Phật thì luôn nhất hướng niệm Phật, lâm chung được vãng sanh về cõi Tịnh độ Cực Lạc để chứng quả vị.

 

Ý của câu văn trên là: Môn Tịnh độ không yêu cầu người niệm Phật phải ở thế giới Ta-bà này chứng quả vị, mà là về thế giới Cực Lạc rồi mới chứng quả vị. Còn tu theo môn Thánh đạo thì bắt buộc người tu hành phải ở ngay thế giới Ta-bà này chứng quả vị, đời này không thành tựu thì đời sau trở lại, đời sau nếu không thành tựu thì đời sau nữa trở lại tiếp tục tu hành, liên tục cho đến khi chứng quả.

Chúng ta không làm được như vậy, nghĩ đến con đường phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp khổ tu ‘là nhiều, là lâu, là thoái chuyển’ của đạo khó hành mà bản thân thì hoàn toàn không có một chút năng lực nào. Hơn nữa, nghĩ đến Đức Phật A-di-đà đã chuẩn bị đầy đủ cho chúng ta rồi, về đến thế giới Cực Lạc rồi mới chứng quả vị, việc này thì mọi người, thiện, ác, phàm phu, ai ai cũng có thể làm được.

Tóm lại, giáo pháp tu hành theo môn Thánh đạo trong Phật pháp là đạo khó hành, là tự lực, là khổ, là lấy việc tu hành lục độ vạn hạnh làm tông chỉ; còn môn Tịnh độ là giáo pháp tín tâm, là tin Phật, là đạo dễ hành, là tha lực, là vui, là lấy tín nguyện chuyên xưng danh hiệu Phật làm tông chỉ.

 

  1. Lời của Đại sư Thiện Đạo được chứng thật

Đại sư Thiện Đạo (613-681) sống vào đời Đường, ở chùa Tây Kinh thuộc đất Trường An, đã từng cùng với Pháp sư Kim Cang so sánh niệm Phật xem hơn kém ra sao. Đại sư Thiện Đạo ngồi lên tòa cao phát nguyện:

“Y cứ vào rất nhiều kinh điển Đại thừa của Đức Phật nói: Niệm Phật được vãng sanh Tịnh độ. Bất luận là người lúc bình thường học Phật, cả đời niệm Phật hay là người mới chỉ niệm Phật được mấy ngày, thậm chí là người lúc sắp chết mới biết niệm Phật, chỉ niệm được mười tiếng, hoặc một tiếng A-di-đà Phật, nương vào Phật lực đều nhất định được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Nếu lời nói này là chân thật, tuyệt đối không lừa dối chúng sanh thì xin cho toàn bộ tượng Phật trong chùa đều phóng ánh sáng để làm chứng.

Nếu pháp môn niệm Phật này là giả dối, chẳng qua là chư Phật nói những lời dụ dỗ để đánh lừa chúng sanh, chứ thực ra đều không thể vãng sanh Tịnh độ.

 

Nếu như vậy thì Đại sư Thiện Đạo tôi lập tức đọa vào đại địa ngục ngay ở trên tòa này, chịu đau khổ vĩnh viễn không có ngày ra khỏi”.

Sau khi nói lời ấy xong, Đại sư Thiện Đạo cầm gậy Như Ý chỉ vào các tượng Phật trong chùa, lập tức sự việc bất khả tư nghị đã diễn ra, đó là toàn bộ tượng Phật đều phóng ánh sáng lớn.

 

Trích Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

 

Viết một bình luận