Niệm Phật chắc chắn vãng sanh (TT)

5.Đoạn thứ ba:

Nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ.

 

Nếu có người tin, phải nên phát nguyện, sanh về cõi nước kia.

Có thể nói, lòng từ bi của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni là vô cùng sâu sắc. Ngài nhiều lần nhấn mạnh, khuyên bảo, mong muốn chúng ta nhất định phải vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

  1. Thông thường, người ta hay hiểu lầm về ‘thiện căn phước đức nhân duyên’

Phương pháp vãng sanh về thế giới Cực Lạc theo ý tiêu cực ở trên mà nói là: ‘Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc’ (Không thể đem chút ít thiện căn phước đức nhân duyên, mà được sanh về cõi nước kia). Vậy thì, ý nghĩa của mười bốn chữ này là thế nào?

Thông thường người ta hay giải thích: Thiện căn là chỉ cho bồ-đề tâm, phước đức là chỉ cho lục độ vạn hạnh. Lấy thiện căn của bồ-đề tâm làm nhân, lấy phước đức của lục độ vạn hạnh làm duyên, nhân duyên hòa hợp thì mới có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Thế nhưng, lại ‘không thể đem chút ít thiện căn’ thì nhất định phải nhiều, nghĩa là ‘đa thiện căn’, tức là phải phát tâm vô thượng bồ-đề. Như vừa nói, thiện căn thường được giải thích là bồ-đề tâm, thế nhưng lại ‘không thể dùng chút ít bồ-đề tâm’, vậy thế nào gọi là ít? Người đã đắc quả vị A-la-hán, cũng thuộc về ‘thiểu thiện căn’. Bởi vì người này không phát bồ-đề tâm, không hành Bồ-tát đạo, cho nên không thể thành Phật.

Vãng sanh về thế giới Cực Lạc là để thành Phật. Thông thường, người ta hay giải thích là người tu hành, nhất định phải tự mình phát tâm vô thượng bồ-đề để làm nhân vãng sanh; đã phát tâm bồ-đề thì nhất định phải hành Bồ-tát đạo, do đó phải rộng tu lục độ vạn hạnh, đây gọi là phước đức. Lấy nhân ‘tâm vô thượng bồ-đề’, cộng với duyên ‘phước đức lục độ vạn hạnh’, nhân duyên hòa hợp mới đủ để được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Góc độ giải thích này không hề sai, nhưng chúng ta cần hiểu cho rõ ràng. Theo sự giải thích như trên, thì chúng sanh nhất định phải tự mình tích lũy, thành tựu phước đức nhân duyên của tâm bồ-đề, cộng với lục độ vạn hạnh. Còn đối với chúng ta, phước đức là do Đức Phật A-di-đà tích lũy, thành tựu, then chốt của vấn đề là ở chỗ này.

Ghi chú:

Các văn giải thích khác về câu kinh:

‘Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc’

Không thể đem chút ít thiện căn phước đức nhân duyên, mà được sanh về cõi nước kia.

                1-Phạn văn, Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Chẳng phải nhờ chút ít thiện căn mà các loài hữu tình được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ.
                2-Phạn văn, Anh dịch: Nhà ngôn ngữ học Mục-lặc (Muller)

Chúng sanh không thể dựa vào các việc làm thiện ở thế gian này mà được sanh về cõi nước kia.

                3-Phạn văn, Nhật dịch: Học giả Phật giáo Trung Thôn Nguyên

Không thể đem chút ít việc thiện, mà mong được vãng sanh về cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

                4-Tạng văn, Nhật dịch: Học giả Phật học Tự Bản Uyển Nhã

Không thể đem chút ít thiện căn, mà mong được vãng sanh về cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

  1. Thế nào gọi là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’

Chúng ta hãy xem lại câu kinh dưới đây:

Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói đến Đức Phật A-di-đà, rồi chấp trì danh hiệu.Đây chính là đáp án cho câu hỏi ở trên về ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’. Thiện nam tử, thiện nữ nhân được nói ở đây, là bao gồm tất cả người xuất gia, người tại gia, người thiện, người ác, thậm chí cả chúng sanh trong tứ sanh, lục đạo. Chỉ cần người đó nghe đến danh hiệu Đức Phật A-di-đà, từ đó về sau nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật, thì đều được gọi là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’. Cho nên, ‘mười phương chúng sanh’ được nói trong điều nguyện thứ mười tám của Đức Phật A-di-đà chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân.

  1. Chấp trì danh hiệu là đa thiện căn, đa phước đức

‘Mười phương chúng sanh nghe nói đến Đức Phật A-di-đà’.

‘Nghe nói đến Đức Phật A-di-đà’ ở đây, không phải chỉ là nghe người ta niệm một tiếng A-di-đà Phật, mà gọi là nghe nói đến Đức Phật A-di-đà đâu, không phải như vậy! Mà là nghe thiện tri thức giảng giải về nguyên do, về nội dung cứu độ mười phương chúng sanh trong điều nguyện thứ mười tám của Đức Phật A-di-đà, rồi người đó trong tâm tin đạo lý nhân quả này, đây mới gọi là ‘nghe nói đến Đức Phật A-di-đà’. Nghĩa là trong tâm người ấy ‘tin nhận Di-đà cứu độ’ và ‘nguyện sanh Di-đà Tịnh độ’, sau đó ‘chuyên xưng Di-đà Phật danh’. Đây là tin nhận tại nơi tâm, cũng gọi là ‘chấp trì danh hiệu’.
‘Chấp’ trong chấp trì, nghĩa là tin tưởng kiên định, không thay đổi; ‘trì’ là không tan, không mất.

Ý nói, trong tâm tin nhận đạo lý này một cách vĩnh viễn không hoài nghi, không thay đổi, cũng tức là hoàn toàn tin nhận Di-đà cứu độ, nguyện sanh Di-đà Tịnh độ, chuyên xưng Di-đà Phật danh, đây gọi là ‘chấp trì’.

Trong tâm tin nhận sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà, ngoài miệng tự nhiên xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật. Cho nên gọi là ‘đa thiện căn, đa phước đức’, chính là ‘nghe nói đến Đức Phật A-di-đà, rồi chấp trì danh hiệu’.
Cũng như nói, người muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc nhất định phải là hạng đa thiện căn, đa phước đức. Thật ra, đa thiện căn, đa phước đức vốn đã được chứa đựng hết trong câu danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, mà Ngài đã hoàn thành cho chúng ta. Nếu trong tâm chúng ta tin nhận,

ngoài miệng xưng niệm, thì tự nhiên chúng ta sẽ được đầy đủ đa thiện căn, đa phước đức.

Vì thế, xét trên phương diện này thì đa thiện căn, đa phước đức không phải do chúng ta tích lũy, mà là do Đức Phật A-di-đà tích lũy. Chúng ta chỉ cần xưng niệm danh hiệu Ngài, nguyện sanh về cõi Tịnh độ của Ngài là được rồi.

Đại sư Liên Trì nói: ‘Xưng niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà là thiện trong thiện, là phước trong phước’. Lại nói: ‘Chấp trì danh hiệu, nguyện thấy Đức Phật A-di-đà là đa thiện căn, là thiện căn tối thắng, thiện căn bất khả tư nghị’, đây là lời giải thích của Đại sư Liên Trì.

Đại sư Ngẫu Ích giải thích: ‘Chỉ cần tin nhận Di-đà, nguyện sanh Cực Lạc, chấp trì danh hiệu thì mỗi niệm, mỗi niệm đều đầy đủ đa thiện căn, đa phước đức’. Như vậy, chỉ cần chúng ta ‘chuyên xưng danh hiệu Phật A-di-đà’ là hiển nhiên trở thành người đa thiện căn, đa phước đức.

Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc.

Chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh vào cõi nước kia.

Đây là đoạn kinh văn trong kinh A-di-đà do ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch đang được phổ biến thọ trì, và nay đã tìm thấy bản tiếng Phạn của kinh này, nếu phiên dịch ra chữ Hán thì cũng phải là mười bốn chữ, học giả đã phiên dịch như sau, mong mọi người hãy chú ý.

Chúng sanh bất nhân thử thế sở tố thiện hạnh, đắc

Chúng sanh không thể nhờ vào các việc thiện ở thế gian này, mà được sanh về cõi nước kia.

Khẳng định rằng mười phương chúng sanh muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc thì nhất định phải nương vào công đức của Đức Phật A-di-đà, chứ không thể dựa vào các việc làm thiện của chính họ. Câu kinh ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch là ‘thiện căn, phước đức nhân duyên’, bản tiếng Phạn chỉ có hai chữ ‘thiện hạnh’, lấy thiện hạnh để bao gồm cả thiện căn, phước đức.

Ở đây không nói là chúng ta niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì không cần phải hành thiện tích đức, không cần hiếu thuận phụ mẫu, phụng sự sư trưởng; đồng thời, cũng không bảo chúng ta chẳng cần tu lục độ vạn hạnh. Mà ý muốn nói rằng đương nhiên chúng ta phải làm tròn bổn phận, phải hiếu thuận phụ mẫu, phụng sự sư trưởng. Còn lục độ vạn hạnh thì tùy duyên, tùy phần mà tu, cũng là việc chúng ta đương nhiên phải làm.

Còn như muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc thì nhất định phải nương vào sức công đức của Đức Phật A-di-đà, chuyên xưng danh hiệu Phật, mà chúng ta không cần phải đem những việc làm ở thế gian để hồi hướng. Bởi vì, những việc đó đều không được gọi là đa thiện căn, đại thiện căn, thiện căn thù thắng, thiện căn phước đức bất khả tư nghị được, mà những việc đó đều là thiểu thiện căn, thiểu phước đức. Chỉ có công đức tu hành được tích lũy qua nhiều kiếp của Đức Phật A-di-đà, mới được gọi là thiện căn, phước đức thù thắng, tối thượng.

Chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thế giới

ấy được kiến tạo bởi tâm chân thực, tâm thanh tịnh của Đức Phật A-di-đà, đó là cảnh giới vô ngã, Niết-bàn bất sanh bất diệt.

Phàm phu chúng ta đầy dẫy tham sân si, làm sao có thể tiến vào cõi nước đó? Nhân quả không phù hợp, không tương ưng, nhất định phải nhờ công đức thiện căn vô ngã, vô lậu của Đức Phật A-di-đà mới có thể tiến vào thế giới Cực Lạc. Do đó, kinh A-di-đà nói: ‘Chúng ta phải ‘nghe nói đến Đức Phật A-di-đà’ rồi sau đó mới ‘chấp trì danh hiệu’, đạo lý chính là ở chỗ này.

Vì sao? Vì Đức Phật A-di-đà kiến tạo thế giới Cực Lạc, Ngài nhất định phải hoàn thành công đức vãng sanh cho chúng ta, sau đó hồi hướng hết cho chúng ta.

Kinh Vô Lượng Thọ nói:

                   Ngã ư vô lượng kiếp
                   Bất vi đại thí chủ
                   Phổ tế chư bần khổ
                   Thệ bất thành Chánh giác.

Nghĩa là:

 Ta ở vô lượng kiếp
 Không làm đại thí chủ
 Cứu khắp người nghèo khổ
 Thề không thành Chánh giác.

Đây là thệ nguyện của Đức Phật A-di-đà. Ngài nói: “Ta từ vô lượng kiếp đến nay đều làm một đại thí chủ”, vì vậy, Đức Phật A-di-đà còn có tên gọi khác là ‘Đại thí chủ’ (người bố thí lớn). Đức Phật A-di-đà bình đẳng cứu độ chúng sanh nghèo khổ ở khắp mười phương. Chúng ta khi còn ở thế gian này, phải chịu đủ mọi bần cùng khốn khổ, sau khi chết lại phải chịu luân hồi trong sáu nẻo, khổ không thể nói hết được! Đức Phật A-di-đà nhất định phải làm một đại thí chủ đến cứu độ chúng ta.

Từ khía cạnh này mà nói, công đức là do Đức Phật A-di-đà mang lại, cho nên gọi là Phật lực. Chúng ta nhờ niệm Phật, nương vào Phật lực mà được vãng sanh Cực Lạc.
Ngoài ra, có một đoạn kinh văn, Đức Phật A-di-đà nói:

Vị chúng khai pháp tạng, quảng thí công đức bảo.

Vì chúng sanh khai tạng pháp, rộng thí báu công đức.

Đức Phật A-di-đà vì mười phương chúng sanh chúng ta mà mở tạng pháp vãng sanh thành Phật, cho nên nói ‘vì chúng khai tạng pháp, rộng thí báu công đức’. Bố thí rộng lớn công đức quý báu cho chúng ta, khuyên chúng ta phải lìa khỏi Ta-bà, vãng sanh Cực Lạc mà thành tựu Phật quả.

Một đoạn khác trong kinh Vô Lượng Thọ nói:

Linh chư chúng sanh, công đức thành tựu.

Khiến các chúng sanh, thành tựu công đức.       
Là Đức Phật khiến cho mười phương chúng sanh, thành tựu công đức vãng sanh thành Phật.

Một đoạn khác trong kinh Vô Lượng Thọ lại nói:

Dĩ bất thỉnh chi pháp, thí chư lê thứ.

Dùng pháp không thỉnh, ban cho tất cả mọi người.

Đức Phật A-di-đà lấy pháp vãng sanh mà mười phương chúng sanh chúng ta không hiểu nổi, nhưng có thể lãnh thọ được để đem ra bố thí cho chúng ta. Do đó, đối với chúng

ta, pháp môn này gọi là pháp môn Di-đà cứu độ. Chúng ta tin nhận pháp môn Di-đà cứu độ, cũng có nghĩa là chúng ta tin nhận pháp môn chuyên xưng danh hiệu Đức Phật A-di-đà.

  1. Nhất tâm bất loạn

Nay giải thích về ‘nhất tâm bất loạn’.

Có rất nhiều trứ tác đều giải thích ‘nhất tâm bất loạn’ là chúng sanh niệm Phật phải đạt đến công phu nhất tâm bất loạn. Ví như phải đạt đến ‘sự nhất tâm bất loạn’, thậm chí có thể là ‘lý nhất tâm bất loạn’ tức là cảnh giới cao tột. Nếu không, chí ít cũng phải đạt đến ‘công phu thành phiến, khi thức cũng như trong mộng đều như một, tịnh niệm tương tục’.

Kỳ thật, giải thích như vậy là hoàn toàn sai lầm. Đây là đem giáo lý thông thường ra để giải thích về giáo lý Tịnh Độ. Thực ra, ý nghĩa ‘nhất tâm bất loạn’ ở đây rất đơn giản và cũng hoàn toàn phù hợp với câu nói: ‘Chúng ta nghe nói đến Đức Phật A-di-đà, trong tâm tin nhận Di-đà cứu độ, ngoài miệng xưng niệm danh hiệu A-di-đà Phật, hoặc một ngày… cho đến bảy ngày’.

‘Hoặc một ngày… hoặc bảy ngày’ ở đây là chỉ cho mạng sống của chúng ta, tùy theo mạng sống của chúng ta kéo dài được bao lâu mà chuyên xưng câu danh hiệu này. Nếu mạng sống của chúng ta chỉ còn một ngày, thì chuyên niệm danh hiệu một ngày; nếu mạng sống của chúng ta còn bảy

ngày, thì chuyên niệm danh hiệu bảy ngày; nếu mạng sống của chúng ta còn bảy tháng, bảy năm hay bảy mươi năm, thì chúng ta phải suốt đời niệm câu danh hiệu này mà không cần phải nhờ vào các công hạnh khác.

Tuy chúng ta có tích lũy các thiện căn, phước đức khác, nhưng không thể nhờ vào một chút thiện căn, phước đức ấy mà được vãng sanh, bởi vì nó không đủ, mà vãng sanh đều phải nương vào câu danh hiệu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’.
Xưng niệm danh hiệu cũng tùy thuộc vào căn tính của chúng ta. Căn tính của mỗi người mỗi khác, dù là trí thức, nông dân, công nhân hay thương gia, nhưng đều đem cương vị và trình độ của mình ra mà niệm Phật là tốt rồi.

Có khả năng niệm vài vạn câu thì niệm vài vạn câu, không thể niệm vài vạn câu, chỉ niệm được vài nghìn câu, thì niệm vài nghìn câu; có khả năng nhiều thì niệm nhiều, có khả năng ít thì niệm ít, nhưng hễ có thời gian thì liền xưng niệm câu danh hiệu này.

Còn như trong lúc đang niệm Phật, tâm có tán loạn hay không tán loạn, có vọng tưởng hay không có vọng tưởng, điều này không thành vấn đề. Bởi vì vãng sanh không phải nhờ vào công phu của chúng ta, cùng với việc có vọng tưởng tạp niệm hay không, có đạt đến công phu nhất tâm hay không đều chẳng liên quan.

Đâu phải chúng ta nhất tâm mới vãng sanh, không nhất tâm thì chẳng thể vãng sanh; hoặc là nhất định lâm chung phải chánh niệm hiện tiền mới vãng sanh, không chánh niệm thì không thể vãng sanh. Hoặc lại nói, khi lâm chung phải có người trợ niệm mới vãng sanh, không có người trợ niệm thì không thể vãng sanh v.v., ở đây không đề cập đến những điều đó, bởi vìtất cả đều là sức của Đức Phật A-di-đà. Chỉ cần chúng ta một lòng chuyên niệm danh hiệu Ngài, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, suốt đời không thay đổi thì khi lâm chung, Đức Phật A-di-đà tự nhiên sẽ hiện thân tiếp dẫn chúng ta vãng sanh Cực Lạc, hoàn toàn không tồn tại vấn đề công phu có ‘nhất tâm bất loạn’ hay không.
Vì thế, ‘nhất tâm bất loạn’ ở đây chính là tâm chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà, chuyên tin Đức Phật A-di-đà không thay đổi, không tạp loạn, đây là ‘nhất tâm bất loạn’.

Nếu có người nói:

– Này bạn! Anh A có một pháp môn đặc biệt thù thắng!

Bạn đến học chứ!

Chúng ta cũng chẳng hiếu kỳ, vì bất luận pháp môn nào cũng đều không bằng câu danh hiệu A-di-đà Phật của chúng ta. Chỉ cần một câu danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật này đã có đầy đủ vạn đức, việc vãng sanh của chúng ta lập tức thành tựu, chẳng cần phải nhờ vào các công hạnh khác. Sở dĩ chúng ta không hiếu kỳ, không động loạn là bởi chúng ta có tâm tin nhận đối với Đức Phật A-di-đà, đây gọi là ‘nhất tâm bất loạn’.

Hiện tại, phiền não, vọng tưởng tạp niệm của chúng ta khởi lên, chúng ta cũng đừng vì thế mà lo lắng, cho rằng:

– Hỏng bét rồi! Ta muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc mà lại có những tâm niệm này thì Đức Phật A-di-đà làm sao có thể cứu độ ta! Liệu Ngài có bỏ rơi ta không?

Hoàn toàn không nên và không cần phải lo lắng như thế.

Xin hỏi mọi người, có ai lại không có tham sân si? Có ai mà không có vọng tưởng tạp niệm? Nếu bạn không có tham sân si, vọng tưởng tạp niệm thì bạn đã là A-la-hán rồi! Đức Phật A-di-đà hoàn toàn không vì cứu độ bậc A-la-hán.

Ngài trải qua năm kiếp tư duy để phát ra lời thệ nguyện và trải qua nhiều kiếp tu hành, lẽ nào lại  không có giá trị ư? Bản thân các vị A-la-hán có thể tự ra khỏi tam giới, lục đạo luân hồi, cần gì Đức Phật A-di-đà phải cứu độ? Cho nên, đối tượng mà Đức Phật A-di-đà muốn cứu độ chính là chúng sanh trong đời ác ngũ trược.

‘Ngũ trược’ nghĩa là ‘kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược’. Chúng sanh chúng ta xưa nay vốn là có kiến trược, phiền não trược thì mới là phàm phu! Nếu chúng ta không có kiến trược, không có phiền não, không có tham sân si mạn nghi thì chúng ta đâu phải là phàm phu, mà không phải là phàm phu thì cũng không phải là đối tượng mà Đức Phật A-di-đà muốn cứu độ!

Thế nên, theo phương diện này thì chính vì chúng ta có phiền não nên mới hổ thẹn và vui vẻ niệm một câu danh hiệu A-di-đà Phật này; đồng thời, vì chúng ta có phiền não nên mới càng biết ơn sự cứu độ của Đức Phật A-di-đà.
Vì vậy, xin các liên hữu niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, chớ nên thấy mình có phiền não, tạp niệm mà sanh tâm sợ hãi, thoái lui, cảm thấy mình không đủ tư cách vãng sanh rồi hoài nghi Đức Phật A-di-đà.

Nếu nghĩ như vậy, thì chẳng khác gì cầm dao đâm vào ngực Đức Phật A-di-đà, khiến cho Ngài phải đau lòng mà rơi lệ. Đức Phật A-di-đà nhất định không bỏ rơi chúng ta, nên Ngài mới  phát nguyện tu hành để cứu độ chúng ta. Chỉ cần chúng ta chuyên xưng danh hiệu A-di-đà Phật, nương vào sự cứu độ của Ngài, bất kể tâm mình có thanh tịnh hay không thanh tịnh, công phu có đạt đến nhất tâm hay không, đều chẳng cần quan tâm.

  1. Ba đoạn văn nói về hai tầng nhân quả là yếu chỉ của kinh A-di-đà

        6.1. Kinh văn, Tổ sư giải thích, chú giải

          6.1.1. Kinh văn

Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc. Văn thuyết A-di-đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật… nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A-di-đà Phật, dữ chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh, A-di-đà Phật Cực Lạc quốc độ.

Không thể đem chút ít thiện căn, phước đức nhân duyên, mà được sanh về cõi nước kia. Nghe nói về Đức Phật A-di-đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày… hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Người ấy khi sắp mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng chư thánh chúng hiện ra trước mắt người ấy. Người này khi mạng chung, tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà

          6.1.2. Tổ sư giải thích

Trong Pháp sự tán, Đại sư Thiện Đạo giải thích đoạn kinh này như sau:

Cực Lạc vô vi, Niết-bàn giới
Tùy duyên tạp thiện, khủng nan sanh
Cố sử Như Lai tuyển yếu pháp
Giáo niệm Di-đà chuyên phục chuyên.
Thất nhật, thất dạ tâm vô gián
Trường thời khởi hạnh bội giai nhiên
Lâm chung thánh chúng trì hoa hiện
Thân tâm dũng dược tọa liên hoa.
Tọa thời tức đắc vô sanh nhẫn
 Nhất niệm nghinh tương chí Phật tiền
Pháp lữ tương y cánh lai trước
Chứng đắc bất thoái nhập tam hiền.

Nghĩa là:

Cực Lạc là vô vi, Niết-bàn
Tùy duyên tạp thiện, khó vãng sanh
Cho nên Như Lai chọn pháp yếu
Dạy niệm Di-đà chuyên lại chuyên.
Bảy ngày, bảy đêm không gián đoạn
Hành trì lâu dài gấp bội thêm
Lâm chung thánh chúng mang hoa đến
Thân tâm hớn hở ngồi tòa sen.
Ngồi rồi liền đắc Vô sanh nhẫn
Một niệm liền sanh ở trước Phật
Pháp lữ cùng nhau mang y đến
Chứng được bất thoái, nhập tam hiền.

6.1.3. Chú giải

     6.1.3.1. Không thể đem chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh về cõi nước kia.

Đa số người ta đều cho rằng người tu hành cần phải phát tâm bồ-đề, rộng tu lục độ vạn hạnh, hành thiện tích đức thì mới là đa thiện căn đa phước đức; mà không biết rằng, chỉ cần ‘chấp trì danh hiệu’ tức là đa thiện căn đa phước đức.

6.1.3.2. Chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn

Phần nhiều, người ta thường đem quan điểm của Thánh đạo môn ra để xuyên tạc cái nghĩa chân thực ‘nhất tâm bất loạn’ của pháp môn Tịnh Độ, vốn là pháp môn đặc biệt. Họ cho rằng ‘nhất tâm bất loạn’, nghĩa là người niệm Phật phải đạt đến công phu sâu dày, chứng nhập tam-muội, hoặc phục đoạn phiền não. Mà họ không biết rằng ‘chấp trì danh hiệu’ chính là ‘tâm tin nhận Di-đà cứu độ, miệng xưng Di-đà danh hiệu’.

‘Nhất tâm’ nghĩa là ‘không có hai tâm’, không hai chính là ‘chuyên’; ‘bất loạn’ tức là ‘không tạp loạn’, không tạp loạn cũng là ‘chuyên’. Thế nên, Đại sư Thiện Đạo giải thích ‘chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn’ nghĩa là ‘niệm Phật Di-đà chuyên lại chuyên’.
Cho nên, bất luận người nào, chỉ cần suốt đời (hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho đến mười niệm hoặc một niệm), chuyên niệm danh hiệu A-di-đà Phật, nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc, liền nhờ nguyện lực của Phật sẽ được vãng sanh, rất dễ hiểu, dễ thực hành mà không mảy may có nghĩa huyền diệu gì khác.

Còn tiếp

Trích Sách Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ


Đoạn thứ ba:

Viết một bình luận