Tông Chỉ Tông Tịnh Độ

Nam Mô A Di Đà Phật

                                    7.TÔNG CHỈ TÔNG TỊNH ĐỘ

 

Tông Tịnh Độ chính là tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo

Chúng tôi mong mọi người đều có quan niệm chính xác đối với ba chữ ‘tông Tịnh Độ’ này. Mọi người đều biết tông Tịnh Độ là một trong tám tông phái lớn của Phật giáo Đại thừa Trung Quốc. Nhưng nếu như chẳng hiểu rõ tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo thì dù có tên gọi tông Tịnh Độ, mà thực chất nội dung chẳng phù hợp, thì cũng là hữu danh vô thực. Sau Đại sư Thiện Đạo hơn một nghìn năm, chúng ta tuy có tông Tịnh Độ, nhưng trên thực tế thì thực chất nội hàm đều không được hoàn toàn hiển hiện.

Nói tông Tịnh Độ chính là tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, vì rời tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, hoặc trái nghịch, hoặc không phù hợp với tư tưởng Tịnh độ của ngài thì chẳng phải là tông Tịnh Độ, chẳng phải là pháp môn Tịnh Độ thuần chánh; phù hợp với tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, nhất trí với giáo pháp của Đại sư thì mới gọi là tông Tịnh Độ, cũng chính là pháp môn Tịnh Độ thuần chánh.

Chúng ta tu trì pháp môn Tịnh Độ, nguyện sanh về Tịnh độ Cực Lạc ở phương tây, thì phải hy vọng ở pháp môn mà chúng ta đang tu trì, và nắm chắc pháp nghĩa thuần chánh có tính quyết định vãng sanh. Chúng ta đều hy vọng hành trì pháp môn Tịnh Độ thuần chánh. Thế nên, nếu muốn hiểu rõ tông chỉ của tông Tịnh Độ thì cần phải hiểu rõ tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo.

 

Nguồn gốc lịch sử của tông Tịnh Độ

Tôi nói như thế, có người đặt câu hỏi: Tông Tịnh Độ có mười ba vị Tổ, vì sao chỉ chuyên y cứ vào một vị Tổ là Đại sư Thiện Đạo, và còn nói, phù hợp với Đại sư Thiện Đạo mới chính là tông Tịnh Độ, chẳng phù hợp thì gọi là hữu danh vô thực?

Xin đáp: Điều này có nguồn gốc lịch sử. Phật giáo từ Ấn Độ truyền đến Trung Quốc, việc sáng lập tông Tịnh Độ có nhân duyên như thế này, nếu nói rõ ra thì mọi người sẽ không còn nghi vấn.

Phật giáo Trung Quốc là từ Ấn Độ truyền sang, nhưng tại Ấn Độ thì không có tám tông phái lớn, đương nhiên cũng không có tông Tịnh Độ. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, tại Trung Quốc hình thành tám tông phái lớn. Tông Tịnh Độ là do Đại sư Thiện Đạo khai sáng vào đời Đường (thế kỷ VIII).

Đến đây, sẽ có một nghi vấn, vì sao Phật giáo Ấn Độ không có các tông phái này mà sau khi đến Trung Quốc mới hình thành các tông phái này? Điều này có cần thiết chăng? Đây là vì Ấn Độ là quốc gia mà Đức Phật ứng hóa. Ngay lúc đầu Đức Phật thuyết pháp, nhờ oai đức, trí huệ của Phật và nhân duyên thiện căn của chúng sanh thuở ấy; đệ tử vây quanh Đức Phật đều có thiện căn thuần thục, có đại Bồ-tát, cũng có bậc thánh A-la-hán.

Vì thế, giáo pháp của Đức Phật nói ra, đều được hiểu chính xác, không nhầm, cũng có thể truyền thừa chính xác, không nhầm. Thế nên, các Đại đệ tử, Bồ-tát, A-la-hán đem giáo pháp của Đức Phật nói, truyền trao cho nhau từ đời này sang đời khác. Ngữ ngôn, văn tự là ngữ ngôn, văn tự Ấn Độ, Đức Phật lại được sanh ra tại quốc gia này, lại có các vị Bồ-tát, A-la-hán như thế truyền trao cho nhau; vì vậy, các ngài hiểu pháp nghĩa không sai lệch.

Tu trì pháp môn Tịnh Độ theo kinh điển đều căn cứ vào nguyên lý giải thoát của Phật dạy mà tu, cho nên cũng không cần đặt vấn đề thành lập tông phái, do vì pháp mạch truyền thừa rất rõ ràng, lý giải pháp nghĩa rất chính xác, giáo pháp Đức Phật nói trong ba bộ kinh Tịnh độ đều thuần chánh, không sai lệch được lưu truyền cho đời sau. Bởi vì đó là pháp môn Tịnh Độ thuần chánh cho nên chẳng cần phải kiến lập tông Tịnh Độ.

Phật giáo truyền đến Trung Quốc, ba kinh nói về pháp môn Tịnh Độ là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà lần lượt được phiên dịch sang tiếng Trung Quốc và được lưu truyền rộng rãi đến ngày nay. Nhưng phải lý giải kinh Vô Lượng Thọ như thế nào? Phải lý giải kinh Quán Vô Lượng Thọ như thế nào? Phải lý giải kinh A-di-đà như thế nào? Người đọc đến ba bộ kinh này không có được sự tu hành thanh tịnh như các vị Bồ-tát, A-la-hán thuở  xưa ở Ấn Độ thì tất nhiên đứng trên trình độ nhận thức của chính mình mà lý giải ba bộ kinh Tịnh độ.

Như thế thì sẽ sinh ra các kiến giải sai khác đối với ba bộ kinh này. Rõ ràng nhất là đối với bộ Quán kinh. Quán kinh tuy là kinh điển Tịnh độ, nhưng vào thời của Đại sư Thiện Đạo và trước thời của Đại sư Thiện Đạo, các tông, các phái giải thích bộ kinh này rất nhiều, nhưng có sự sai khác trong các lời giải thích.

Tỷ như liên quan đến ‘cửu phẩm’ trong Quán kinh, Đại sư Huệ Viễn (chùa Tịnh Ảnh) đời Tùy (thế kỷ VI) phán định cửu phẩm đặc biệt cao. Ngài cho rằng, người Thượng phẩm thượng sanh là Bồ-tát từ Địa thứ tư đến Địa thứ bảy; người vãng sanh Thượng bối trung phẩm là Bồ-tát từ Địa thứ nhất đến Địa thứ tư; người vãng sanh Thượng bối hạ phẩm là Bồ-tát Địa tiền.

‘Nói chung, những người vãng sanh cửu phẩm đều là căn cơ của bậc thánh. Phán đoán như thế là căn cứ vào kinh điển riêng biệt, cho rằng người Thượng phẩm thượng sanh một khi đến thế giới Cực Lạc lập tức chứng ngộ Vô sanh pháp nhẫn của Địa thứ tám.

Nói vị ấy lúc ở nhân địa tối thiểu là từ Địa thứ tư đến Địa thứ bảy, khi đến thế giới Cực Lạc liền tiến vào Địa thứ tám. Đây là cách giải thích của Đại sư Huệ Viễn.

Tông Thiên Thai cũng có cách giải thích của tông Thiên Thai đối với Quán kinh, giải thích rằng, vãng sanh có bốn độ: Phàm phu vãng sanh đến Phàm thánh đồng cư độ, A-la-hán vãng sanh đến Phương tiện hữu dư độ, Bồ-tát vãng sanh đến Thật báo trang nghiêm độ, bản thân Phật trụ tại Thường tịch quang tịnh độ. Đây là cách giải thích của tông Thiên Thai.

Các sư trong tông Nhiếp Luận thì cho rằng, phàm phu vốn chẳng thể vãng sanh đến Báo độ Cực Lạc của Phật

A-di-đà. Quán kinh nói, chúng sanh hạ phẩm niệm Phật vãng sanh, các vị ấy phán là ‘biệt thời ý’, chính là nói, niệm một vài câu danh hiệu Phật có thể vãng sanh, kinh điển nói như thế là để khích lệ chúng ta, chứ thật ra những kẻ này không thể vãng sanh mà phải đợi sau nhiều đời nhiều kiếp, nhân duyên thiện căn thuần thục, công đức tích lũy đầy đủ rồi thì mới được vãng sanh.

Trong điều kiện lịch sử thời bấy giờ, tuy có nhiều người chú giải kinh điển Tịnh độ, nhưng họ giải thích với nhiều quan điểm khác nhau. Nếu y cứ vào các lời giải thích ấy thì có thể nói là không có pháp môn cho chúng ta tu tập.

Do vì các lời giải thích ấy chỉ với căn cơ của các bậc thánh Bồ-tát, A-la-hán mới có thể tu trì, phàm phu chúng ta chỉ có thể ‘biệt thời ý’, hạng căn cơ bậc hạ thì làm sao có thể tu trì pháp môn Tịnh Độ?

Trong hoàn cảnh này, cần phải có pháp môn Tịnh Độ thuần chánh, cần phải hiển bày tông chỉ pháp môn Tịnh Độ, cần phải kiến lập một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh để hoằng dương chính xác pháp môn Tịnh Độ, cần phải giải thích ba bộ kinh Tịnh độ do Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết, pháp mạch thanh tịnh của các vị Bồ-tát, A-la-hán truyền thừa hoàn chỉnh, chính xác tại Trung Quốc.

Nếu không có pháp mạch thanh tịnh truyền thừa, mà mỗi người cứ giữ chặt lấy cách lý giải của mình, thì mọi người vẫn tìm không ra phương hướng rõ ràng.

Vào đầu đời Đường (thế kỷ VII), có Đại sư Thiện Đạo, là hóa thân của Phật A-di-đà tại thế gian này, viết bộ Quán kinh tứ thiếp sớ chói sáng cổ kim, khải định cổ kim.

Quán kinh tứ thiếp sớ là bảo điển căn bản nhất của Đại sư Thiện Đạo kiến lập tông Tịnh Độ. Đại sư dùng bốn chữ ‘khải định cổ kim’ để hình dung tính trọng yếu của bộ trứ tác này. Nguyên văn: “Tôi nay muốn sớ (giải thích) Quán kinh, khải định cổ kim”.

Khải định cổ kim’ là gì? Chính là nói, người tu hành trong các tông, các phái cổ kim có các học giả, thiện tri thức tuy giải thích kinh điển Tịnh độ, nhưng giải thích không hoàn chỉnh, không thuần túy, có chỗ sai lệch, có chỗ nhầm lẫn. Giải thích như thế, không thể hiển bày được bản nguyện của Phật A-di-đà, đưa đến chúng sanh không được cứu độ, không được vãng sanh.

Thế nên, Đại sư Thiện Đạo chính là hóa thân của Phật A-di-đà từ Tịnh độ Cực Lạc ở phương tây, hóa thân đến uế độ Ta-bà viết bộ Quán kinh tứ thiếp sớ, đem những quan niệm chẳng chính xác, có sai lệch, uốn nắn lại cho đúng. ‘Khải’ là quy phạm, mẫu mực, chính là tiêu chuẩn. ‘Định’ là quyết định. Trước thời Đại sư Thiện Đạo thì gọi là ‘cổ’, chính là các kinh sách trước Đại sư Thiện Đạo; đồng thời với Đại sư Thiện Đạo thì gọi là ‘kim’.

 

Ngài đem các quan niệm chẳng chính xác, chẳng thuần túy, có sai lệch sửa lại cho đúng, phán định cái gì chính xác, cái gì chẳng chính xác, đây gọi là ‘khải định cổ kim’.

Do đó chúng ta biết, lý do kiến lập tông Tịnh Độ là vì những người tu hành của các tông, các phái lý giải giáo điển Tịnh độ sai lệch, không y cứ vào nguyên ý của ba bộ kinh Tịnh độ do Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết, không y cứ vào tông chỉ của bản nguyện Phật A-di-đà, không y cứ vào sự truyền thừa thanh tịnh của Bồ-tát Long Thọ, Bồ-tát

Thiên Thân ở Ấn Độ mà lại y cứ vào tư tưởng theo đường lối chung của kinh điển trong tông phái khác để giải thích Tịnh độ, vì thế mà sanh ra nhầm lẫn.

 

Trong tình cảnh ấy, Đại sư Thiện Đạo xuất hiện ở thế gian, khải định cổ kim, chỉ đúng phương hướng.

Di-đà chỉ dạy, nhất nhất đều như kinh pháp

Lúc Đại sư Thiện Đạo viết Quán kinh sớ, mỗi đêm đều có một vị thánh tăng, trong mộng chỉ dạy ngài về huyền nghĩa khoa văn, ‘câu này phải viết như thế này, câu này phải giải thích như thế này…’. Người trong mộng này là ai? Chính là Phật A-di-đà. Thế nên, bộ sớ này còn được gọi là Di-đà chỉ thọ. Quán kinh tứ thiếp sớ không giống các bộ chú sớ Quán kinh khác là vì do hóa thân Di-đà đích thân đến chỉ điểm, tức là hóa thân Di-đà đích thân đến chứng minh, là tác phẩm khải định cổ kim.

Chuyên y cứ tư tưởng Đại sư Thiện Đạo

Do vì có quá nhiều tông phái hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, như các Đại đức tông Thiên Thai cũng hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, các Đại đức tông Hoa Nghiêm cũng hướng về Tịnh Độ, Đại sư Khuy Cơ, Tổ tông Duy Thức cũng trứ tác A-di-đà kinh tán giải thích kinh A-di-đà.

 

Vậy thì trong lúc chúng sanh đang phân vân, chúng ta rốt cuộc y cứ vào ai?

Nếu chúng ta tu trì pháp môn Tịnh Độ mà y cứ vào giáo lý tông Thiên Thai thì thuần chánh hay chẳng thuần chánh? Chẳng thuần chánh. Lý luận cần phải kết hợp với thực tiễn, cần phải phù hợp với thực tiễn. Chúng ta tu tập pháp môn Tịnh Độ mà giáo lý y cứ chẳng phải là giáo lý

Tịnh Độ, lại là giáo lý tông Thiên Thai thì thử hỏi có phải là sai lầm hay không?

 

Như thế là chẳng thuần túy. Nếu chúng ta tu trì pháp môn Tịnh Độ mà y cứ vào tông Thiên Thai, tông Hoa Nghiêm, tông Duy Thức, y cứ vào Bát-nhã không quán, y cứ vào quan niệm của Thiền thì đây chẳng thuần chánh là pháp môn Tịnh Độ.

Chúng ta cần phải biết, tu trì pháp môn Tịnh Độ phải nên y cứ vào tư tưởng của Đại sư Thiện Đạo, Tổ sư khai tông của tông Tịnh Độ, cũng tức là y cứ vào tư tưởng thuần chánh theo pháp mạch của của tông Tịnh Độ.

 

Như thế mới ổn đáng, mới thuần túy, mới chẳng thiên lệch. Như tôi vừa nói, căn cơ được pháp môn Tịnh Độ tiếp nhận, nếu đúng như lời giải thích của Đại sư Huệ Viễn đời Tùy, thì chúng ta đều đạt không đến.\

 

Trong Quán kinh sớ, Đại sư Thiện Đạo dẫn dụng văn kinh và các thứ đạo lý để chứng minh Đức Phật thuyết bộ Quán kinh‘chỉ vì phàm phu, chẳng vì bậc thánh’, là ‘cửu phẩm đều là phàm phu’.

 

Đại sư Thiện Đạo nói:

       Tất cả phàm phu thiện ác được vãng sanh đều lấy sức đại nguyện của Phật A-di-đà làm tăng thượng duyên.

‘Tất cả phàm phu thiện ác’ nghĩa là ba phẩm của bậc thượng là phàm phu thiện Đại thừa, trung phẩm thượng sanh và trung phẩm trung sanh là phàm phu thiện Tiểu thừa, trung phẩm hạ sanh là phàm phu thiện thế gian, ba phẩm bậc hạ là phàm phu tạo tội. Tóm lại, cửu phẩm đều là phàm phu.

Qua sự giải thích này, quyết định tiêu chuẩn như thế, chúng ta mới cảm thấy mình có phần vãng sanh. Nếu yêu cầu phải có đủ căn cơ của bậc thánh, thì pháp môn này chúng ta học không nổi. Vì thế, trong Quán kinh sớ, Đại sư

Thiện Đạo khai hiển pháp nghĩa chân thật của tông Tịnh Độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sau khi Đại sư Thiện Đạo đề xuất quan điểm này, người hoằng dương Tịnh độ đời sau không còn nói cửu phẩm là thánh nữa mà đều nhấn mạnh cửu phẩm là phàm phu.

Tóm lại, hành pháp vãng sanh Tịnh độ, phải nên tu trì như thế nào? Các tông, các phái giải thích không như nhau. Vì thế chúng ta cần phải biết: Tông Tịnh Độ chính là tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo.

       Pháp mạch truyền thừa của tông Tịnh Độ

Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo sở dĩ hình thành pháp mạch Tịnh độ thuần chánh, chẳng những vì ngài là hóa thân của Phật A-di-đà, Di-đà chỉ dạy, khải định cổ kim, mà đồng thời ngài cũng có pháp mạch truyền thừa thanh tịnh.
       Trong số các Tổ sư Tịnh Độ tại Trung Quốc, trừ pháp hệ của Đại sư Thiện Đạo ra, các Tổ sư khác đều không có quan hệ truyền thừa, mà đều là căn cứ vào trí huệ của chính mình, căn cứ vào sự tu hành tâm đắc của chính mình, căn cứ vào cách lý giải Phật pháp của chính mình để giải thích pháp môn Tịnh Độ.

Đại sư Thiện Đạo thì không giống như vậy, ngài giải thích ba bộ kinh Tịnh độ là đứng trên lập trường bản nguyện của Phật A-di-đà. Quan điểm này được truyền từ đâu? Từ Đại sư Đạo Xước.

 

Trong An lạc tập, Đại sư Đạo Xước cũng đã lấy Di-đà bản nguyện làm lập trường của gài. Đại sư Đạo Xước được truyền thừa từ ai? Được truyền từ Đại sư Đàm Loan. Đại sư Đàm Loan có một trứ tác rất nổi tiếng là Vãng sanh Luận, chú, Ngài hoàn toàn triệt để thuần túy lấy bản nguyện của Phật A-di-đà để giải thích ý nghĩa trọng yếu của pháp môn Tịnh Độ.

 

Điều này, mọi người xem Vãng sanh luận chú đều sẽ thấy rõ. Đại sư Đàm Loan được truyền thừa từ ai? Đại sư Đàm Loan là người sống vào đời nhà Lương thuộc Nam Bắc Triều (thế kỷ VI),

 

Ngài đã từng gặp Tam tạng Bồ-đề Lưu-chi từ Ấn Độ sang, ngài được trực tiếp truyền thừa từ Tam tạng Bồ-đề Lưu-chi về cách giải thích Tịnh độ của Bồ-tát Thiên Thân và Bồ-tát Long Thọ, đây là pháp mạch thanh tịnh.

 

Trứ tác của Bồ-tát Thiên Thân là Vãng sanh luận trong ‘Tịnh độ tam kinh nhất luận’. Vì thế, pháp mạch truyền thừa của Đại sư Đàm Loan rất rõ ràng, thông qua Tam tạng Bồ-đề Lưu-chi, Ngài tiếp nhận Vãng sanh luận của Bồ-tát Thiên Thân, đồng thời tìm về Dị hành phẩm của Bồ-tát Long Thọ.

 

Đại sư Đàm Loan chú giải Vãng sanh luận của Bồ-tát Thiên Thân, soạn thành Vãng sanh luận chú. Mở đầu Vãng sanh luận chú, ngài dẫn dụng Dị hành phẩm của Bồ-tát Long Thọ phán định Dị hành đạo và Nan hành đạo để phán định bộ Vãng sanh luậnpháp môn Dị hành đạo, là pháp môn đi thuyền, là pháp môn tha lực như đi thuyền thuận gió, một mạch đến chỗ bất thoái, thành Phật.

Các đời truyền thừa như thế, tư tưởng rõ ràng, pháp nghĩa hoàn toàn một mạch nối nhau thì chỉ có hệ thống này của Đại sư Thiện Đạo mà thôi.

Như cách giải thích của Đại sư Liên Trì, Đại sư Ngẫu Ích thời nhà Minh, Đại sư Trí Giả đời Tùy đều không có tư tưởng này, không có pháp mạch truyền thừa này, cũng không đứng trên lập trường bản nguyện tha lực của Phật A-di-đà để giải thích ba bộ kinh Tịnh độ. Vì thế, tuy các vị thiện tri thức của các tông, các phái tuyên dương pháp môn Tịnh Độ, đều có tác dụng làm nổi bật pháp môn Tịnh Độ, phổ cập pháp môn Tịnh Độ.

 

Nhưng nói đến pháp nghĩa thuần chánh thì trừ hệ thống này của Đại sư Thiện Đạo ra, các quan điểm khác đều chẳng phải pháp môn Tịnh Độ thuần chánh, cho nên không có tư cách xưng là tông Tịnh Độ.

 

Tôi nói như thế, nếu như người không có trình độ nghiên cứu sâu về giáo lý, giáo sử, thì mới nghe qua một lần khó tiếp nhận, khó chuyển hướng.

Ví như nói ‘giáo tông Thiên Thai, hạnh quy Tịnh Độ’, nếu người học giáo lý thường thường nghe nói như thế, là có ý gì? Chính là nói, mục đích tu hành của người ấy là cầu sanh về thế giới Cực Lạc ở phương tây, vậy người ấy tu hành là tu hành pháp môn Tịnh Độ; giáo lý của người ấy vâng theo thì lấy lý luận chỉ đạo của tông Thiên Thai làm tiêu chuẩn, đó là nghĩa ‘giáo tông Thiên Thai, hạnh quy Tịnh Độ’.

 

‘Tông’ là tông chỉ, tiêu chuẩn, đây hiển nhiên là pháp môn Tịnh Độ của tông Thiên Thai, chẳng phải là pháp môn Tịnh Độ của tông Tịnh Độ, cũng hiển nhiên chẳng phải là pháp môn Tịnh Độ thuần chánh.

Hoặc có người ‘giáo tông Hoa Nghiêm, hạnh quy Tịnh Độ’, hoặc có người ‘giáo tông Bát-nhã, hạnh quy Tịnh Độ’, hoặc có người Mật Tịnh song tu, hoặc có người Thiền Tịnh song tu, hoặc có người Thai Tịnh song tu.

 

Nói chung, các trạng huống ấy đều chẳng phải là pháp môn Tịnh Độ thuần túy bất tạp.

Vì sao lại xuất hiện các trạng huống ấy? Nhân vì vào đời Đường có phát sanh sự kiện pháp nạn Phật giáo (Đường Võ Tông diệt Phật, diệt pháp).

 

Trải qua sự kiện pháp nạn lần này, rất nhiều kinh điển bị thất lạc, như Quán kinh sớ của Đại sư Thiện Đạo, Vãng sanh chú của Đại sư Đàm Loan, An lạc tập của Đại sư Đạo Xước v.v. đều bị thất truyền ở Trung Quốc.

 

Hơn một nghìn năm nay, người muốn tu trì pháp môn Tịnh Độ không có một hệ thống giáo điển của tông Tịnh Độ để tham khảo, chỉ có thể tham khảo pháp môn Tịnh Độ của tông Thiên Thai, tông Hoa Nghiêm hành trì, mà không có biện pháp ‘giáo tông Tịnh Độ, hạnh quy Tịnh Độ’.

Đó là vì giáo điển của tông Tịnh Độ thuần chánh hoàn chỉnh ở Trung Quốc đã bị thất truyền. Quán kinh sớ không còn, Vãng sanh luận chú cũng không còn, khi đó chỉ biết tham khảo Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Duy Thức, Luật tông, Thiền tông, Mật tông mà thôi.

 

Ngoài ra các vị thiện tri thức của các tông, các phái lúc hoằng dương Tịnh Độ chẳng tránh khỏi dùng giáo lý của tông mình và sự thể ngộ của mình để giải thích Tịnh Độ.

 

Vì thế, Phật giáo lại quay về cục diện trước khi Đại sư Thiện Đạo sáng lập tông Tịnh Độ.

Hơn một nghìn năm nay tuy có pháp môn Tịnh Độ, nhưng đều chẳng thuần chánh, nhân vì pháp mạch mất sự truyền thừa.

 

Tuy có pháp môn Tịnh Độ, nhưng không có tông Tịnh Độ, do vì kinh điển kiến lập tông phái đã bị thất truyền.


       Chúng ta thật may mắn, có phước báo! Hơn một nghìn năm nay, biết bao thiện tri thức, biết bao người tu hành đều không có cơ duyên tiếp xúc với tư tưởng của Đại sư Thiện Đạo, mà hôm nay chúng ta được tiếp xúc đến.

 

Đây là vì khoảng hơn một trăm năm trước, ‘ngũ bộ cửu quyển’ (Quán kinh sớ 4 quyển, Quán niệm pháp môn 1 quyển, Pháp sự tán 2 quyển, Bát-chu tán 1 quyển, Vãng sanh lễ tán 1 quyển) của Đại sư Thiện Đạo, Vãng sanh luận chú của Đại sư Đàm Loan từ Nhật Bản được đưa trở về Trung Quốc. Nhờ một đoạn nhân duyên lịch sử này, hôm nay chúng ta mới được xem thấy!

Tuy các tác phẩm kể trên được quay trở về Trung Quốc, nhưng trong thời gian một trăm năm này, tại Trung Quốc có nhiều tai nạn như là bát quốc liên quân xâm nhập, đất nước Trung Hoa trở thành thuộc địa của thực dân, bị các nước khác xem thường, nhân dân khốn khổ.

 

Trong tình huống như thế thì nói gì đến giáo pháp lưu bố? Nói gì đến nghiên cứu kinh điển? Tiếp theo là quân phiệt hỗn chiến, kháng chiến chống Nhật, chiến tranh giải phóng; sau khi giải phóng đã an định thì lại gặp phải một cuộc đại cách mạng văn hóa.

 

Khoảng hai ba mươi năm gần đây, quốc gia tương đối an định, đất nước hùng mạnh, dân tộc tự tin hơn, nên mới có đủ bình tâm nghiên cứu giáo lý, giáo nghĩa.

Vào thời đại này, người nghiên cứu tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo rất cụ thể, rất triệt để là pháp sư Huệ Tịnh. Ngài đem tư tưởng của Đại sư Thiện Đạo trình bày ra một cách hoàn chỉnh, biên dịch lưu bố ở trước mặt mọi người, nhờ đó chúng ta mới được xem thấy.

 

Vì thế, trong thời đại này chúng ta được tu trì pháp môn Tịnh Độ, quả thật là vô cùng có phước báo.

       Mạng lưới nghiệp lực của thời đại

Hiện tại ngay thời đại này, chúng ta cảm thấy việc đời bận rộn, đạt không đến tâm thanh tịnh, đạt không đến thiền định thanh tịnh, khai phát trí huệ. Nếu vẫn căn cứ theo yêu cầu của hơn một nghìn năm đến nay, nghĩa là ‘tuy xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, còn cần phải có công phu thiền định, khai phát trí huệ, niệm Phật như thế thì mới có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở phương tây’. Vào thời trước, dân tình thuần phác, đại khái có thể làm đến được, còn thời đại ngày nay, chúng ta không thể làm được.

Tôi nghĩ, chúng ta đang ngồi ở đây nghe tiếng chuông điện thoại di động vang lên, chúng ta có thể tưởng tượng cách đây vài năm, lúc mọi người đang nghe pháp, có cần gọi điện thoại di động đâu?

 

Điện thoại di động chính là một cái lưới nghiệp lực của thế giới Ta-bà này, là nghiệp lực được vật chất hóa, bạn đi đến đâu cũng không thoát khỏi nó, dù cho bạn ở trong núi sâu, trên trời cũng có lưới, dưới đất cũng có lưới, mạng lưới điện thoại, mạng lưới vi tính (internet) đem nghiệp lực trói buộc bạn đến cùng một chỗ.

Chúng sanh ở thời đại này bị mạng lưới nghiệp lực nhiều tầng khống chế chặt chẽ. Chúng ta muốn dựa vào sức của mình để tìm cầu giải thoát thì cũng giống như con ruồi bị sa vào lưới nhện, càng cố đập cánh vùng vẫy thì càng bị buộc chặt.

 

Hà huống chúng ta đâu phải chỉ bị một mạng lưới mà nhiều lớp mạng lưới đan với nhau trói buộc chúng ta ở trong đó. Người ở vào thời đại này muốn dựa vào sự tu hành của chính mình để ra khỏi luân hồi là điều vốn không thể được!                 ( Còn tiếp)

 

Trích Bản Nguyện Niệm Phật

Thích Minh Tuệ

 

 

1 bình luận về “Tông Chỉ Tông Tịnh Độ”

  1. Con xin kính chào Thầy.
    Con là Thành , ở Việt Nam , 68 tuổi . Thật là phước duyên nên con đã biết và liên tục theo dõi trang web của Thầy từ 2019 đến nay . Thưa Thầy , mỗi ngày con vẫn hành trì pháp môn niệm Phật cùng với máy MP3 . Và con chỉ có 1 pháp môn niệm Phật thuần chánh mà thôi . Con xin kính chào Thầy và chúc Thầy sức khỏe . Thành

    Trả lời

Viết một bình luận